1- Ngày 18-4 vừa qua công ty chúng tôi nhập khẩu 100 kg vật tư keo để SX hàng XK. Lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan và doanh nghiệp đã lấy hàng về sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thông quan chúng tôi phát hiện ra có nhầm lẫn trong khai báo. Cụ thể như sau: Đơn vị tính của NL doanh nghiệp đã đăng ký danh mục là Gramme. Đơn vị tính trên tờ khai VNACCS là Kg. Đối chiếu với điểm 3 phụ lục II Thông tư 22/2014/TT-BTC thì doanh nghiệp chúng tôi được phép sửa đổi tờ khai sau thông quan. Vậy doanh nghiệp chúng tôi có cần thiết phải sửa đổi số lượng thành từ 100 Kg thành 100,000Gr và đơn giá thay đổi tương ứng hay không? Nếu không sửa đổi thì có ảnh hưởng đến thủ tục thanh khoản hoàn thuế của doanh nghiệp hay không? (Hương Giang)
Trả lời: Kg và Gram cùng một đơn vị đo lường, vì vậy không ảnh hưởng đến thanh khoản hoàn thuế.
2-Chúng tôi có lô hàng xuất CFS, chúng tôi có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, khi liên hệ với hải quan hỏi nhập dữ liệu phần MÃ PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN, có công chức hải quan hướng dẫn khai loại 2: Đường biển (container), có công chức hướng dẫn khai loại 3: Đường biển (không container). Vậy xin hỏi, chúng tôi phải khai như thế nào?
Thứ hai, trong tờ khai có mục CẢNG XẾP HÀNG, khi đưa hàng vào kho CFS chúng tôi không thể biết hàng của mình sẽ được xuất đi từ cảng nào ( Tân cảng hay Green port,…) nên không thể khai mục này. Mà nếu không khai thì tới sát ngày hàng đi, chúng tôi mới mở tờ khai và làm thủ tục thì không kịp, kính mong lãnh đạo cho chúng tôi phương án giải quyết. (Tuấn NĐ)
Trả lời: Trường hợp lô hàng xuất CFS nhập dữ liệu phần Mã phương thức vận chuyển đề nghị bạn khai mã 2.
Căn cứ hướng dẫn tại công văn số 15603/BTC-TCHQ ngày 13-11-2013 của Bộ Tài chính về khai báo "cửa khẩu xuất hàng" tại ô số 9 tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu HQ/2012-XK đối với hàng hóa đưa vào kho CFS sau đó xuất khẩu, tại mục cảng xếp hàng công ty khai tên kho CFS.
3- Xin cho hỏi mã phương thức vận chuyển đối với hàng lẻ (hàng CFS) từ nước ngoài về thì khai là gì? Mã 2 hay mã 3? (Thanh Huyền)
Trả lời: Đề nghị khai mã 2 trong phần Mã phương thức vận chuyển.
4- DN chúng tôi có mua hàng nông sản từ Ấn Độ về Việt Nam rồi bán sang Trung Quốc. Nhưng hàng đã tới Việt Nam cảng Hải Phòng KV2. Do nhà cung cấp giao hàng trễ nên doanh nghiệp chúng tôi từ chối nhận hàng. Vì vậy người bán phải làm các giấy tờ đề để nhận lại hàng này. Doanh nghiệp chúng tôi đã hỗ trợ chọn nhà cung cấp các giấy tờ như sau: Contrac, Invoice, Paking list, Bill, D/O và các công văn như: Công văn từ chối nhận hàng, công văn chấp nhận nhận hàng của nhà cung cấp, giấy ủy quyền của hãng tàu. Doanh nghiệp chúng tôi chưa mở tờ khai và tên hàng nông sản (Hat Cha La). Tôi đã liên hệ với hải quan giám sát ở cảng Hải phòng KV2 nhưng Hải quan yêu cầu chúng tôi phải liên hệ với hải quan kiểm soát của cục. Vậy mong quý cơ quan Hải quan cho doanh nghiệp chúng tôi 1 lời đáp. Vì vậy khi nào chúng tôi tái xuất được hàng này (vì hàng của chúng tôi đã tới cảng đã 2 tháng với số lượng 16 Containers 40') nên tiền lưu Container và lưu bãi đã tới 1,6 tỷ đồng... Vì vậy mong quý cơ quan giúp sớm. Doanh nghiệp chúng tôi phải chuẩn bị giấy tờ gì thêm không. Và hải quan ở cửa khẩu cũng như hải quan kiểm soát trong thời gian bao lâu mới giải quyết cho doanh nghiệp chúng tôi. (Bá Lắm)
Trả lời: Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu khoản 2 Điều 56 Thông tư 128/2013-TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính để thực hiện. Đồng thời liên hệ trực tiếp với công chức Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể. Trường hợp còn vướng mắc đề nghị Doanh nghiệp có văn bản gửi Tổng cục Hải quan để được xem xét giải quyết.
5- Doanh nghiệp chúng tôi là "Doanh nghiệp chế xuất làm hàng gia công nằm ngoài khu chế xuất" có một số vướng mắc cần được giải đáp như sau: 1. Phân biệt "hàng tiêu dùng" và "hàng đầu tư" trong cùng 1 lô hàng (1 hợp đồng, 1 hóa đơn, 1 p/l) để mở tờ khai: VD: 1 lô hàng gồm: 100 bộ máy may; 500 chiếc ốc, vít để thay thế; 500 chiếc kim may để thay thế; 100 chiếc ổ cắm điện thì mở tờ khai loại hình gì? Mẫu báo cáo Nhập-Xuất-Tồn thiết bị, vật tư mỗi quý đối với doanh nghiệp chúng tôi hiện nay phải sử dụng mẫu báo cáo nào? (Mẫu của thông tư nào?) 2. Trong quá trình SX, cùng 1 thời điểm có khoảng 15 HDGC cùng thực hiện, chúng tôi đều đã khai báo định mức và phần trăm tiêu hao cho các "phụ liệu" (các phụ liệu này dùng chung cho tất cả các HDGC), trước thời hạn thanh khoản (các HDGC đã XK hết sản phẩm) chúng tôi kiểm kê kho và thấy số lượng "phụ liệu" thực tế trong kho tồn lệch so với bảng thanh khoản. Vậy lúc này chúng tôi xin sửa định mức tiêu hao "phụ liệu" được không? 3. Trong khi chưa XK hết sản phẩm ( HDGC vẫn đang nhập, xuất) chúng tôi có được phép thực hiện chuyển giao nguyên phụ liệu từ HDGC này sang HDGC khác (theo chỉ định của bên thuê GC) không? (Các HDGC này cùng một đối tác). Nếu có thì trên phần mềm chúng tôi phải truyền tờ khai theo loại hình nào? Tất cả các "Tờ khai xuất chuyển giao nguyên phụ liệu" này có bị kiểm hóa toàn bộ không? Doanh nghiệp chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi của Quý cơ quan. (Thúy Hà)
Trả lời: Hàng tiêu dùng do doanh nghiệp tự xác định mục đích khi nhập khẩu.
Mẫu báo cáo Nhập-xuất-tồn thực hiện theo Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 (đối với trường hợp thực hiện thủ tục Hải quan thủ công) hoặc theo Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 của Bộ Tài chính (Đối với trường hợp thực hiện trên hệ thống VNACCS).
Điều chỉnh định mức thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 13/2014/TT-BTC ngày 24-1-2014 của Bộ Tài chính.
6- Trong quá trình nhập khẩu, sử dụng và triển khai các máy móc cho điều trị cho Bệnh nhân ở Việt Nam, tình trạng máy có thể bị hỏng do các điều kiện, khi đó cần phải đưa ra nước ngoài sửa chữa, có các mục đích sau: 1- Tiết kiệm chi phí. 2- Đảm bảo máy chạy tốt và tính chính xác. 3- Kéo dài thời gian phục vụ của thiết bị. Nhưng khi gửi ra nước ngoài: mặc dù 1- Tờ khai và tờ trình rõ ràng 2- Có máy thực tế 3- Có serial máy trên máy Đảm bảo khi nhập về: 1- Đúng thiết bị đó 2- Đúng thời gian, nhưng Hải quan không cho gửi đi, yêu cầu phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Xin hỏi 1- Để làm gì? 2- tại sao cần? 3- Có gì không minh bạch mà phải làm như vậy? Đây có phải là điểm cần thiết phải sửa đổi để tránh phiền hà cho doanh nghiệp, đảm bảo trang thiết bị hoạt động tốt, tiết kiệm ngân sách hay không? (Triều)
Trả lời: 1. Căn cứ tiết a, kkhoản 1, Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ thì hàng hóa cấm nhập khẩu khi tạm xuất, tái nhập phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
Như vậy, trường hợp thiết bị y tế thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo phụ lục 1, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì khi tạm xuất ra nước ngoài sửa chữa phải tuân thủ điều kiện quy định tại tiết a, Điều 13 Nghị định 187/2013/NĐ-CP nêu trên.
2. Để ngăn chặn việc lợi dụng quy định về tạm xuất, tái nhập để buôn bán hàng cấm, hàng không an toàn vào nội địa thì các cá nhân, tổ chức, cơ quan thi hành phải thực hiện đúng, minh bạch các quy định pháp luật liên quan trong đó có việc tạm xuất, tái nhập thiết bị y tế đã qua sự dụng như nêu trên.
7- Nếu như cá nhân tôi muốn xuất nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại, trong khi tôi chưa thành lập công ty thì làm thế nào? Tôi phải tìm cơ quan chi cục hải quan của tiểu bang California ở đâu và những thủ tục gì tôi cần phải làm để có thể xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ và những chính sách pháp luật, các giấy tờ đăng kí cần thiết nào mà tôi phải làm? (thedo_em754@yahoo.com.vn)
Trả lời: Về việc quyền xuất nhập khẩu đề nghị quý độc giả nghiên cứu Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và Điều 6 Luật Thương mại để biết. Trường hợp xuất khẩu hàng hóa là mặt hàng may mặc cũng như hàng hóa khác thì thủ tục Hải quan thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Luật Hải quan sửa đổi bổ sung 2005, Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005, Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23-10-2012 của Chính phủ, Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 (đối với thủ tục Hải quan truyền thống), Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 (đối với thủ tục Hải quan điện tử), Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 (VNACCS ) của Bộ Tài chính.
8- Cho em hỏi, em định nhập khẩu hàng linh kiện phục vụ cho ngành may từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng em không biết thủ tục và trình tự như thế nào? Xin hướng dẫn cho em để em có thể tiến hành công việc cho đúng thủ tục. Xin cảm ơn. (nguyennhi500@gmail.com)
Trả lời: Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ từ Trung Quốc hiện nay đang được hướng dẫn tại Thông báo 2527/TB-BKHCN ngày 6-9-2012 và công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 24-9-2012 của Bộ Khoa học công nghệ. Về hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013, Điều 8 Thông tư 296/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012, Điều 8 Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 của Bộ Tài chính.
9- Chúng tôi là một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ xin có một số câu hỏi gửi Báo Hải quan, kính nhờ Báo Hải quan gửi cho các lãnh đạo Tổng cục giải đáp vướng mắc cho công ty chúng tôi như sau:
- Công ty chúng tôi là công ty TNHH Thương mại và chế biến gỗ Tiến Phát - Trụ sở tại xóm Đồng Đạo, thôn Đông Sơn, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có ký hợp đồng mua 200 m3 gỗ nguyên liệu với đối tác ở Campucia. Theo công văn số 1483/TCHQ-GSQL ký ngày 17-2-2014 và công văn số 1830/TCHQ-GSQL ký ngày 25-2-2014 của TCHQ- Vụ Giám sát quản lý hướng dẫn thủ tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Campuchia thì ngoài những giấy tờ cần thiết thông thường, phía doanh nghiệp Việt Nam còn phải xuất trình văn bản chính cho phép thương nhân Campuchia được phép xuất khẩu gỗ của Bộ thương mại, hoặc các cơ quan có thẩm quyền của chính phủ Campuchia , Văn bản chính này sẽ bị giữ lại ở chị cục Hải quan cửa khẩu nếu doanh nghiệp nhập khẩu qua 1 của khẩu, hoặc sẽ bị giữ lại ở Tổng cục hải quan nếu doanh nghiệp nhập khẩu qua nhiều cửa khẩu.
Vướng mắc ở chỗ, Văn bản chính của chính phủ Campuchia cấp cho thương nhân Campuchia với số lượng rất lớn, trong khi doanh nghiệp của chúng tôi chỉ mua 1 phần rất nhỏ trong số đó, do vậy nếu văn bản chính bị giữ lại thì số lượng còn lại của giấy phép đó, thương nhân Campuchia sẽ không thể bán cho đối tác khác. Hơn nữa việc lưu giữ lại văn bản gốc của nước khác là không hợp lý vì văn bản gốc là văn bản rất có giá trị để thực hiện nhiều công việc của nước sở tại nếu Tổng cục Hải quan giữ văn bản đó thì phía doanh nghiệp nước bạn sẽ không thể làm những công việc khác được do đó đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét lại nội dung của những công văn này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhâp khẩu một các dễ dàng.
-Thông thường sau khi Tổng cục Hải quan nhận công văn của Doanh nghiệp thì bao lâu sau doanh nghiệp sẽ nhận được công văn trả lời của Tổng cục Hải quan? Vì doanh nghiệp chúng tôi có gửi công văn cho Tổng cục Hải quan vào ngày 4-4-2014, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công văn trả lời của Tổng cục.
Trên đây là 2 câu hỏi của công ty chúng tôi, rất mong nhận được câu trả lời thỏa đáng. (tvan7874@gmail.com)
Trả lời:Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 4607/TCHQ-GSQL ngày 26-4-2014 gửi một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố liên quan về việc liên quan đến bản chính giấy phép của Campuchia. Theo đó khi doanh nghiệp có đề nghị nhận lại bản chính văn bản trên thì cơ quan Hải quan nơi lưu giữ bản chính văn bản thực hiện xác nhận vào mặt sau văn bản và trả lại cho doanh nghiệp.
Thông thường 5 ngày làm việc sau khi nhận được công văn vướng mắc của doanh nghiệp, hải quan địa phương thì Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý) có văn bản trả lời. Trường hợp doanh nghiệp bạn gửi công văn từ 4-4-2014 đến nay chưa nhận được công văn trả lời có thể do thất lạc đường công văn. Đề nghị bạn liên hệ với bên chuyển phát hoặc văn thư Tổng cục Hải quan để được hỗ trợ.
(HQ Online)