Hải quan Hải Phòng gắn công tác “hậu kiểm” với VNACCS/VCIS

VNACCS

 

 

 

Gần 6 tháng áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS tại Hải quan Hải Phòng đã có những kết quả tích cực trong tiếp nhận, xử lí tờ khai, góp phần giúp DN đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, với một hoạt động nghiệp vụ đặc thù của cơ quan Hải quan như công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã phát sinh những khó khăn đòi hỏi có sự tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác này theo mô hình VNACCS/VCIS.

 

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, từ khi áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS, công tác KTSTQ đã phải đối mặt những khó khăn, thách thức nhất định, đặc biệt là việc thu thập, phân tích, xử lí thông tin. Theo Chi cục KTSTQ Hải Phòng, hệ thống thông tin VCIS chưa có chức năng theo dõi, kiểm tra, kết xuất dữ liệu đối với tờ khai hải quan phải sửa chữa, xóa hay chưa phát hiện, kiểm tra tờ khai trùng dữ liệu…


Trong khi đây là những nội dung thông tin rất quan trọng đối với công tác KTSTQ. Điều đó đòi hỏi lực lượng “hậu kiểm” phải có sự tiếp cận mới trong xử lí, thu thập, phân tích thông tin so với trước đây.


 

Theo thống kê cập nhật của Cục Hải quan Hải Phòng, tính từ đầu năm đến 31-8, Chi cục KTSTQ đã tiến hành kiểm tra 1.027 vụ, trong đó có 39 vụ tại trụ sở doanh nghiệp, 988 vụ tại trụ sở cơ quan Hải quan; ban hành 293 quyết định ấn định thuế, tổng số tiền thuế truy thu và phạt vi phạm hành chính 98,546 tỉ đồng, các doanh nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước 96,924 tỉ đồng.

 

Các giải pháp được Chi cục KTSTQ Hải Phòng đặt ra là phân công việc thu thập, xử lí thông tin theo từng lĩnh vực, chức năng của các đội công tác trong đơn vị, trong đó tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực trọng tâm gồm: Mã số, thuế suất; trị giá; gia công, sản xuất xuất khẩu; lĩnh vực liên quan đến hàng hóa thuộc diện ưu đãi về chính sách, C/O…


Đối với lĩnh vực mã số, thuế suất, Đội KTSTQ về mã số, thuế suất được giao nhiệm vụ phân công 4 nhóm công tác theo từng địa bàn quản lí cụ thể với tiêu chí mỗi nhóm quản lí một chi cục Hải quan cửa khẩu và một hay nhiều chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.


Lãnh đạo Chi cục KTSTQ Hải Phòng cho biết, nhiệm vụ của các nhóm là hàng ngày thu thập, phân tích, xử lí thông tin theo địa bàn đã được phân công trong đó phải đưa ra được những dấu hiệu nghi vấn về gian lận đối với chủng loại, mã số để báo cáo cho lãnh đạo Đội và lãnh đạo Chi cục tổng hợp, đánh giá việc chấp hành pháp luật về hải quan đối với các DN.


Với lĩnh vực giá, Chi cục phân chia thành 10 nhóm công tác để tập trung kiểm tra, phân tích thông tin các nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao về giá gồm: Lĩnh vực thủy, hải sản; hóa chất, gỗ, sản phẩm dệt may; thiết bị gia dụng; xe ô tô, xe máy…; sắt, thép, kim khí; khoáng sản; sản phẩm động vật. Khi được phân công, CBCC sẽ tập trung kiểm tra, so sánh, lựa chọn nghi vấn có rủi ro cao về giá thông qua kiểm tra tính hợp lệ, chính xác của hồ sơ, các nội dung khai báo…


Lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu, hiện nay được thu thập, phân tích thông tin căn cứ vào tra cứu trên Hệ thống VNACCS/VCIS, Hải quan Hải Phòng đang chờ Tổng cục hoàn thiện để có những quy trình nghiệp vụ cụ thể.


Liên quan đến quản lí chính sách, C/O, theo Chi cục KTSTQ, việc thu thập thông tin hướng mạnh vào các mục tiêu cơ bản: Tiến độ, kết quả thực hiện các dự án đầu tư; mục đích sử dụng hàng hóa NK; kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo các đội nghiệp vụ sẽ hướng dẫn thu thập, phân tích thông tin các trường hợp có nghi vấn gian lận về chính sách thương mại.


Ngoài ra, Chi cục KTSTQ Hải Phòng cũng có quy trình hướng dẫn cụ thể về các bước để truy cập, tra cứu và phân tích thông tin trên Hệ thống VNACCS/VCIS để CBCC có điều kiện thuận lợi khi tác nghiệp.


Để thực hiện hiệu quả công tác “hậu kiểm” theo mô hình VNACCS/VCIS, Hải quan Hải Phòng kiến nghị Tổng cục Hải quan (Cục KTSTQ) sớm xây dựng phần mềm tự động phân tích thông tin lựa chọn đối tượng kiểm tra trên Hệ thống; tích hợp các tiện ích liên quan đến gia công, sản xuất xuất khẩu vào Hệ thống VNACCS/VCIS…


(HQ Online)