Gỡ vướng thực hiện thủ tục trên VNACCS

Gỡ vướng thực hiện thủ tục trên VNACCS (Mon 28, 2014, 10:38 am)

Trước những vướng mắc của DN khi thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS / VCIS theo Thông tư 22/2014/TT-BTC và Quyết định 988/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4613/TCHQ-VNACCS, ngày 26-4, hướng dẫn cụ thể một số nội dung như: Kiểm tra các thông tin khai báo trên tờ khai hải quan; giải phóng hàng; thông quan hàng hoá…

Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn kiểm tra các thông tin khai báo trên tờ khai hải quan như sau:

Mã “Địa diểm lưu kho hàng chờ thông quan dự kiến”: Địa điểm lưu kho hàng chờ thông quan dự kiến sử dụng để khai báo địa điểm lưu giữ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trước khi thực hiện thủ tục hải quan. Người khai hải quan căn cứ vào địa điểm lưu giữ hàng hoá để thực hiện khai báo phù hợp, cụ thể: Trường hợp địa điểm tập kết hàng hoá đã được Tổng cục Hải quan mã hoá: Sử dụng đúng mã “Địa điểm lưu khi hàng chờ thông quan dự kiến” theo Bảng mã đăng tải trên website Tổng cục Hải quan.

Trong đó, lưu ý đối với hàng hoá XK: Hàng hoá của DN A nếu lưu giữ tại kho riêng của chính doanh nghiệp thì sử dụng mã kho của DN A. Nếu hàng hoá của DN A thuê kho của DN B hoặc ICD để lưu giữ thì sử dụng mã kho của DN B hoặc mã kho ICD khi khai báo.

Chỉ sử dụng mã địa điểm của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai khi hàng hoá được DN tự nguyện đưa đến địa điểm tập kết hàng do chi cục hải quan đó quản lý trước khi đăng ký tờ khai, không yêu cầu DN mang hàng hoá đến địa điểm tập kết hàng do chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai quản lý trước khi đăng ký tờ khai.

Lưu ý đối với hàng hoá NK: Theo thông báo hàng đến, hàng hoá NK được lưu giữ tại địa điểm lưu giữ hàng hoá NK nào thì sử dụng mã địa điểm đó để khai báo. Ví dụ: DN A thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan CK cảng Hải Phòng KVI (mã chi cục hải quan: 03CC). Theo thông báo hàng đến, hàng hoá hiện đang lưu giữ tại kho bãi Tân cảng Hải Phòng thì sử dụng mã của kho bãi Tân Cảng Hải Phòng (03CCS03) để khai báo.

Trường hợp DN A thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan CK cảng Hải Phòng KVI nhưng theo thông báo hàng đến hàng hoá hiện đang lưu giữ tại Bãi hàng hoá NK Tân Thanh Lạng Sơn thì sử dụng mã của Bãi hàng hoá NK Tân Thanh (15E4G02) để khai báo.

Trường hợp địa điểm tập kết hàng hoá XK chưa được Tổng cục Hải quan mã hoá: DN sử dụng mã tạm của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai (ví dụ Chi cục Hải quan Biên Hoà là 47NBOZZ) để khai báo mã “Địa điểm lưu kho hàng chờ thông quan dự kiến”, đồng thời phải ghi cụ thể địa điểm tập kết hàng, thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải tại tiêu chí “Phần ghi chú” trên Tờ khai.

Người khai hải quan chỉ được sử dụng các mã địa điểm tập kết hàng hoá XK (bao gồm các mã tạm và mã kho tập kết hàng hoá XK của DN) để khai báo tờ khai xuất khẩu, không được sử dụng cho khai báo tờ khai hàng hoá NK và tờ khai vận chuyển hàng hoá (tờ khai vận chuyển độc lập).

Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng quy định, công chức được giao nhiệm vụ tại chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai (đối với tờ khai được phân luồng vàng, luồng đỏ) và công chức giám sát tại khu vực giám sát hải quan (đối với tờ khai được phân luồng xanh) hướng dẫn người khai hải quan thực hiện thủ tục huỷ tờ khai và khai báo đúng quy định.

Công văn 4613/TCHQ-VNACCS cũng hướng dẫn dấu hiệu nhận biết mã tạm và mã kho tập kết hàng hoá XK của DN: Mã tạm bao gồm 7 ký tự có 3 ký tự cuối cùng là “OZZ”, tên địa điểm “DIEM LUU HH XK Mã Chi cục”. Ví dụ: 50BBOZZ. Mã kho tập kết hàng hoá XK của DN bao gồm 7 ký tự, tên địa điểm “KHO XK CTY…”.

Về giấy chứng nhận xuất xứ (C/O): Tờ khai không có tiêu chí riêng để khai C/O nhưng xác định hàng hoá có C/O thông qua tiêu chí “Mã nước xuất xứ” và “Mã biểu thuế NK”. Khi người khai hải quan chọn Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt sẽ phải có C/O trong bộ hồ sơ hải quan.

Giải phóng hàng: Điều 16 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định khi người khai hải quan đề nghị giải phóng hàng phải “thực hiện bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai, tự tính thuế”. Trường hợp người khai hải quan lựa chọn thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì thực hiện nghiệp vụ giải phóng hàng theo đúng quy định tại Điều 16 Thông tư 22/2014/TT-BTC.

Thông quan hàng hoá: Trường hợp hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng cơ quan Hải quan nghi ngờ các yếu tố liên quan đến cơ sở tính thuế (số lượng, mã số hàng hoá), nhưng cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để bác bỏ ngay trong quá trình thông quan mà phải thông qua giám định, phân tích phân loại… và người khai hải quan không đề nghị giải phóng hàng thì cơ quan Hải quan cho phép thông quan sau khi kiểm tra đảm bảo tính đầy đủ, hợp lệ của thông tin khai báo và người khai hải quan có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế sau khi có kết quả giám định, phân tích phân loại và chịu xử phạt (nếu có), đồng thời thực hiện nghĩa vụ về thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế.

Căn cứ kết quả giám định, phân tích phân loại, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai xác định chính xác số tiền thuế phải nộp, nếu số thuế khác số thuế người khai hải quan đã nộp hoặc bảo lãnh thì thực hiện ấn định thuế và thông báo cho người khai hải quan, xử phạt (nếu có).

Ngoài ra, công văn 4613/TCHQ-VNACCS cũng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến các bước nghiệp vụ của công chức hải quan xử lý tờ khai.

 

(HQ Online)