Tổng quan về Luật Hải quan 2014

Tổng quan về Luật Hải quan 2014 (Tue 15, 2014, 11:53 am)

Luật Hải quan 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014.
Luật Hải quan 2014 gồm 8 Chương, 104 Điều,  quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan.
Đối tượng áp dụng của Luật là tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; Cơ quan hải quan, công chức hải quan; Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
Nội dung Luật Hải quan 2014 bao gồm:
Chương I: Quy định chung. Chương này gồm 11 Điều (từ Điều 1 đến Điều 11). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách về hải quan, giải thích từ ngữ, hoạt động quốc tế về hải quan, địa bàn hoạt động hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, phối hợp thực hiện pháp luật về hải quan, hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan, giám sát thi hành pháp luật về hải quan.
Chương II: Nhiệm vụ, tổ chức của hải quan. Chương này gồm 4 Điều ( từ Điều 12 đến Điều 15), quy định về nhiệm vụ hải quan; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hải quan; hệ thống tổ chức hải quan và công chức hải quan.
Chương III: Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan. Chương này gồm  67 Điều (từ Điều 16 đến Điều 82), chia làm 8 Mục:

Mục 1: Quy định chung (từ Điều 16 đến Điều 41 );
Mục 2: Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp (từ Điều 42 đến Điều 45);
Mục 3: Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, tài sản di chuyển, hành lý (từ Điều 46 đến Điều 58);
Mục 4: Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công sản xuất hàng hóa xuất khẩu (từ Điều 59 đến Điều 60);
Mục 5: Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tại kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ (từ Điều 61 đến Điều 63);
Mục 6: Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan (từ Điều 64 đến Điều 65);
Mục 7: Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải ( từ Điều 66 đến Điều 71)
Mục 8: Kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (từ Điều 73 đến Điều 76)
Mục 9: Kiểm tra sau thông quan (từ Điều 77 đến Điều 82)
Chương IV: Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (từ Điều 83 đến Điều 86)
Chương V: Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gồm  6 Điều (từ Điều 87 đến Điều 92)
Chương VI: Thông tin hải quan và thống kê hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gồm 4 Điều (từ Điều 93 đến Điều 98)
Mục 1: Thông tin hải quan (từ Điều 93 đến Điều 96)
Mục 2: Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (từ Điều 97 đến Điều 98)
Chương VII: Quản lý nhà nước về hải quan, gồm 2 Điều (từ Điều 99 đến Điều 100)
Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm  4 Điều ( từ Điều 101 đến Điều 104)
Luật này có hiệu lực  thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Luật Hải quan số 29/2001/QH10 và Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
 
Hải quan Việt Nam