Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc giải đáp trực tuyến vướng mắc của DN xuất nhập khẩu

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc giải đáp trực tuyến vướng mắc của DN xuất nhập khẩu (Wed 7, 2014, 10:02 am)

(HQ Online)- Trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện; đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

 

Bên cạnh việc ban hành và thực hiện “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”, ngành Hải quan đã thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế đối thoại với doanh nghiệp thể hiện bằng Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015.

 

Hôm nay, ngày 23-4, được sự đồng ý của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Báo Hải quan tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo Tổng cục Hải quan với bạn đọc tại địa chỉ baohaiquan.vn. Chủ đề của buổi giao lưu là: “Lãnh đạo Tổng cục Hải quan giải đáp trực tuyến vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu". Lần đầu tiên khách mời chủ trì là Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Ngọc Túc. Cùng tham gia trả lời có Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh và Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường. Buổi giao lưu trực tuyến này được tổ chức trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp dân doanh năm 2014. Thời gian buổi giao lưu được bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 11giờ 30.

Tham gia trả lời cùng bạn đọc còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan, bao gồm: Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Ban Cải cách hiện đại hóa, Ban triển khai VNACCS/VCIS, Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Pháp chế, Ban Quản lý rủi ro, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan...

Mục đích của buổi giao lưu là tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, những vướng mắc liên quan đến thực hiện chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác có liên quan đến công tác quản lý hải quan. Qua đó, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng trả lời vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.

Trong quá trình chuẩn bị, Báo Hải quan đã nhận được gần 100 câu hỏi của bạn đọc quan tâm đến chủ đề của buổi giao lưu. Bên cạnh câu hỏi được gửi đến buổi giao lưu một số bạn đọc đã tỏ ý đồng tình cao với việc ngành Hải quan chủ động tổ chức các diễn đàn để đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Một bạn đọc có địa chỉ mail kienlg@yahoo.com bày tỏ: “Tôi xin chân thành cảm ơn quý cơ quan đã tổ chức buổi trả lời trực tuyến về các vướng mắc của các doanh nghiệp XNK. Đây là một hành động chứng tỏ sự lắng nghe, thấu hiểu của quý cơ quan dành cho các doanh nghiệp XNK trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Chúng tôi muốn gửi tới quý Cơ quan một số thắc mắc và mong được quý cơ quan giúp đỡ cải thiện các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian thông quan của DN”.

Trong hơn 2 tiếng diễn ra buổi giao lưu trực tuyến, Báo Hải quan đã nhận được 140 câu hỏi từ phía bạn đọc, các lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục đã trả lời được gần 40 câu hỏi.

Những câu hỏi chưa trả lời trực tiếp tại buổi giao lưu, Báo Hải quan sẽ chuyển đến các vụ, cục chức năng tiếp tục trả lời và sẽ đăng tải trên Báo Hải quan điện tử.

Thông qua buổi giao lưu trực tuyến này, bạn đọc trong và ngoài ngành Hải quan, đặc biệt là các DN và người dân hoạt động XNK đã có được cái nhìn đẩy đủ, cụ thể hơn về những nỗ lực của ngành Hải quan trong thời gian qua để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho DN trong thông quan hàng hoá. Cùng với đó, những vướng mắc cụ thể của DN, người XNK đã kịp thời được tháo gỡ. Đồng thời, những ý kiến đóng góp của DN sẽ được tiếp thu kịp thời bổ sung điều chỉnh những vấn đề liên quan đến quy trình thủ tục hải quan trong XNK, chính sách thuế phù hợp với thực tế.

 

CÂU HỎI & TRẢ LỜI

Tuấn PT (Hà Nội):
Trước đây theo Thông tư 196/TT-BTC thì đối với các tờ khai xuất- Nhập khẩu luồng Xanh (không có điều kiện) thì Doanh nghiệp được quyền in tờ khai và đi nhận hàng, không cần có xác nhận của Hải quan đăng ký tờ khai. Tuy nhiên hiện nay theo Thông tư 22/TT-BTC thì chỉ riêng đối với tờ khai xuất khẩu luồng Xanh (không có điều kiện) thì Doanh nghiệp mới được thực hiện là in tờ khai và đi nhận hàng không cần phải có xác nhận của Hải quan đăng ký tờ khai, còn đối với tờ khai Nhập khẩu luồng Xanh (không có điều kiện) thì phải bắt buộc có xác nhận của Hải quan nơi đăng ký tờ khai mới được đem đi nhận hàng. Trường hợp này cũng áp dụng với luồng Xanh có điều kiện hoặc luồng Vàng/Đỏ (Điều 31 Thông tư 22) như vậy điều này không những không tinh giản được thủ tục mà còn phát sinh thêm thủ tục so với trước kia? Vậy cho Doanh nghiệp chúng tôi hỏi là điều này có lợi gì cho Doanh nghiệp khi thực hiện theo Thông tư 22 này?

Ông Vũ Ngọc Anh- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

- Theo Thông báo số 4285/TB-TCHQ ngày 21/4/2014 về việc triển khai chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ngày 4/4/2014, theo đó lãnh đạo Tổng cục có giao Cục Giám sát quản lý về Hải quan chủ trì nội dung chỉ đạo của Bộ về vấn đề in tờ khai tại Điểm 3 Thông báo số 320/TB-BTC ngày 4/4/2014 của Bộ Tài chính. 

Về việc in tờ khai luồng Xanh do bạn đọc phản ánh, theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC kết quả phân luồng của hệ thống có 03 luồng là: Luồng 1 (Xanh), luồng 2 (Vàng), luồng 3 (Đỏ). Theo quy định tại Khoản 2a Điều 17 Thông tư 22/2014/TT-BTC, đối với hàng nhập khẩu, công chức giám sát “thực hiện việc in, đóng dấu xác nhận, ký, đóng dấu công chức vào góc trên cùng bên phải của trang đầu tiên Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (trừ thông tin 

chi tiết từng dòng hàng) đã được phê duyệt thông quan, giao cho người khai hải quan để làm tiếp các thủ tục (nếu có)”.

Như vậy, thay vì doanh nghiệp phải in tờ khai thì công chức giám sát hải quan trực tiếp in, đóng dấu xác nhận, ký, đóng dấu công chức lên tờ khai cho doanh nghiệp. Nội dung quy định này không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

*****

Ngọc Mai (Bình Dương):
Công ty Asia Poly Tec - Bình Dương chúng tôi hiện đang tiến hành giai đoạn chạy thử nghiệm phần mềm mới này. Tuy nhiên, trong giai đoạn chạy thử nghiệm chúng tôi thấy (bao gồm cả các đối tác) có một vướng mắc cần được giải đáp. Về hình thức XNK tại chỗ, nếu khai trên phần mềm VNACCS/VCIS thì có một chỗ bất cập đó là NGÀY DỰ KIẾN nghĩa là DN chúng tôi phải khai báo ngày dự kiến hàng đi (ngày trong tương lai). Theo thủ tục hải quan hiện hành thì hình thức XNK tại chỗ là giao hàng xong, và có thể gom lại trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng để làm thủ tục thông quan. Theo đó, DN chúng tôi không thể khai báo được mục này. Mặc dù đã liên hệ với Công ty Thái Sơn, Chi Cục Hải quan nơi đăng ký Hải quan nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

Ồng Trần Quốc Định – Phó trưởng ban Cải cách hiện đại hoá Hải quan:

Theo quy định hiện hành tại điểm B khoản 2 điều 47, Thông tư 196 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ làm xong thủ tục hải quan, Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan. Thủ tục nhập khẩu làm trước, thủ tục xuất khẩu làm sau.

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 22, doanh nghiệp xuất khẩu làm thủ tục trước, doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục sau, thông tin ngày hàng đi dự kiến là ngày dự kiến doanh nghiệp xuất khẩu giao hàng cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Nếu theo đúng trình tự xuất trước nhập sau thì việc khai báo ngày hàng đi dự kiến hoàn toàn có thể khai báo được.

*****

Nguyen Trong Minh (TPHCM):
Thưa quý cơ quan HQ, hiện có 1 vấn đề như sau: Cùng một mặt hàng, nhưng khi đăng ký ở 2 nhân viên Hải quan khác nhau, thì lại được yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ khác nhau, tóm lại là mỗi HQ mỗi luật, chứ chưa nói đến khác cửa khẩu. Vậy quí cơ quan HQ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Xin cảm ơn.
 
Ông Vũ Ngọc Anh- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Hồ sơ hải quan đã được quy định tại Điều 22 Luật Hải quan, Điều 7 Nghị định 154 trong đó đã quy định rõ đối với một loại hàng hóa phải nộp và xuất trình các loại giấy tờ nào. 

Vì vậy, nếu cùng một loại hàng hóa mà hai nhân viên hải quan lại yêu cầu các loại giấy tờ khác nhau, thì chắc chắn phải có một trường hợp không chính xác. Vì vậy, trước hết khi đi làm thủ tục hải quan người khai hải quan nên nắm vững những quy định của Luật, đồng thời, khi phát hiện những trường hợp yêu cầu xuất trình hoặc nộp những hồ sơ không theo quy định của luật pháp thì kịp thời có ý kiến với cơ quan Hải quan thông qua các đường dây nóng. 

Về phía cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng này, trong đó yêu cầu nhân viên hải quan khi đề nghị DN nộp hoặc xuất trình những loại chứng từ ngoài những chứng từ quy định trong hồ sơ hải quan thì phải có phiếu tiếp nhận hồ sơ. 

Ngoài ra trong Luật đã quy định rõ quyền của người khai hải quan tại Điều 23 khoản 1d; sắp tới đây trong dự thảo Luật Hải quan sẽ còn làm rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của người khai hải quan cũng như trách nhiệm của công chức hải quan để hạn chế tối đa những trường hợp công chức hải quan tự ý đưa ra những yêu ầu ngoài quy định của pháp luật đối với hồ sơ hải quan. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng phân tích điện tử trong khai báo hải quan dẫn tới việc chuẩn hóa các dữ liệu khai báo và xử lý trên hệ thống cũng sẽ hạn chế tối đa các hành vi tự ý của nhân viên hải quan.

 
*****
 
Giang Nam (Hà Nội):
Thời gian qua ngành Hải quan đã triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hoá hải quan được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện tính minh bạch và chuyên nghiệp hoá của lực lượng Hải quan. Tuy nhiên, đâu đó trong ngành Hải quan vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh, gây khó cho doanh nghiệp. Vậy bên cạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào thông quan hàng hoá, ngành Hải quan có giải pháp gì để cải thiện hình ảnh công chức hải quan trong lòng doanh nghiệp? Quan điểm của ngành Hải quan về chống tiêu cực như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Túc- Tổng cục trưởng TCHQ:

-Quan điểm đầu tiên là kiên quyết đấu tranh với các hành vi tiêu cực trong Ngành. 
-Nhận thức: Không chỉ Hải quan Việt Nam mà Hải quan thế giới cũng xác định môi trường Hải quan là dễ tiêu cực.
-Giải pháp: 
+Đã ban hành Tuyên ngôn phục vụ khách hàng và Bộ Quy tắc ứng xử trong ngành Hải quan.
+Đã áp dụng CNTT để công chức Hải quan khi làm thủ tục không trực tiếp tiếp xúc với DN, tránh phiền hà, sách nhiễu DN. 
+Giải pháp nữa là giáo dục truyền thống để CBCC ngành Hải quan tự hào về Ngành Hải quan, yêu ngành và "màu cờ sắc áo" của ngành Hải quan để không có những hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến ngành.
+Một giải pháp phòng chống tiêu cực, sách nhiễu trong nội bộ ngành Hải quan để cán bộ công chức Hải quan không dám vi phạm là tăng cường hoạt động của Đội giám sát kiểm tra đột xuất. Qua đó xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân trong ngành vi phạm.
+Đề nghị các cấp có chính sách tạo thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống cho gia đình CBCC ngành Hải quan.

 
 
****
Võ Thị Phúc Hậu (Hồ Chí Minh):
Công ty chúng tôi nhập hàng thủy hải sản đông lạnh từ Iceland: cá đông lạnh. Cho chúng tôi hỏi: Thuế suất nhập khẩu hàng hóa từ Iceland vào Việt Nam là bao nhiêu? Có được hưởng thuế suất ưu đãi hay thuế suất thông thường? Nếu là công ty không phải kê khai thuế GTGT đầu ra, vậy thuế GTGT đầu vào là bao nhiều? Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ từ quý cơ quan.
Bà Vũ Hồng Vân-Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK-TCHQ: 

Về thuế NK đối với mặt  hàng thủy hải sản: Do bạn đọc không nói rõ loại nào cho nên đề nghị tra cứu cụ thể, nếu là loại cá và động vật thủy sinh sẽ thuộc mã số cụ thể tại biểu thuế ban hành theo Quyết định 164 ngày 15-11-2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Về thuế Giá trị gia tăng, theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 219 ngày 31-12-2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, mặt hàng thủy sản đông lạnh thuộc đối tượng không chịu thuế Giá trị gia tăng.