Thủ tục hải quan: Tiếp cận chuẩn mực, tạo thuận lợi cho giao thương quốc tế

Thủ tục hải quan: Tiếp cận chuẩn mực, tạo thuận lợi cho giao thương quốc tế (Tue 21, 2014, 9:12 am)

 

Những quy định mới, những bước đi cụ thể trong cải cách, hiện đại hóa về thủ tục hải quan của Việt Nam đang ngày càng tiếp cận với khuyến nghị tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương quốc tế do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất.

 
Đơn giản hóa và minh bạch

Tại Hội thảo “Hải quan - Doanh nghiệp thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO” diễn ra tại Hà Nội, ngày 14-10, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Toàn cho biết: Các biện pháp tạo thuận lợi cơ bản được đề xuất trong TFA chính là minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí trong thực hiện thủ tục đối với hoạt động XNK…

 

Ở khía cạnh quy định của pháp luật Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đã đưa ra những phân tích, dẫn chứng cụ thể thể hiện sự tiếp cận của Hải quan Việt Nam đối với những đề xuất nêu trên của WTO. Về vấn đề minh bạch thông tin, TFA đề xuất các quốc gia cần công bố và đảm bảo tính có sẵn của thông tin, đảm bảo cơ hội góp ý và thông tin của DN trước khi các quy định có hiệu lực thi hành. Hải quan Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách nền hành chính công thông qua công bố công khai các thủ tục hành chính; số lượng hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết; các quy định về thủ tục hải quan… tại website của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn). Đồng thời, Tổng cục Hải quan và các đơn vị hải quan địa phương đều thành lập bộ phận hỗ trợ, tư vấn cho DN (Help Desk) để tư vấn, giải đáp vướng mắc về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục liên quan đến hoạt động hải quan.

 

Các vấn đề như xác định trước về xuất xứ, trị giá, mã số hàng hóa; xử lí thông tin trước khi hàng đến để giúp việc thông quan nhanh chóng; thực hiện thanh toán điện tử… cũng đã và đang được cơ quan Hải quan chú trọng thực hiện. Điển hình như vấn đề xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đã được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Hải quan năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Đối với xử lí thông tin trước khi hàng đến, cơ quan Hải quan đang áp dụng quy định cho DN khai báo thông tin trước khi hàng đến hoặc trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Trong Luật Hải quan năm 2014 tiếp tục duy trì quy định này, đồng thời tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục trong vòng 15 ngày kể từ ngày DN đăng kí tờ khai… Về vấn đề thanh toán điện tử, hiện nay việc nộp thuế bằng phương thực điện tử qua ngân hàng thương mại đã được ngành Hải quan áp dụng rộng rãi và trở thành phương thức nộp thuế chủ yếu đối với hàng hóa XNK.


Giảm chứng từ, giảm thời gian

Vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN XNK chính là giảm số lượng chứng từ trong hồ sơ hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

 

Ông Nestor Scherbay, Giám đốc Công ty tư vấn CTRMS Việt Nam cho biết: Việc giảm giấy tờ, chứng từ trong hồ sơ hải quan mà DN phải nộp, xuất trình là điều được quan tâm thực hiện ở nhiều quốc gia. Do đó, DN rất muốn biết việc cắt giảm cụ thể của Hải quan Việt Nam, đồng thời chỉ rõ những chứng từ nào bắt buộc phải xuất trình trong quá trình thông quan, chứng từ nào DN được nộp sau.

 

Giải đáp băn khoăn của DN, ông Âu Anh Tuấn chia sẻ: Luật Hải quan mới quy định hồ sơ hải quan chỉ bao gồm tờ khai hải quan và chứng từ liên quan tùy vào từng trường hợp mà DN phải xuất trình như hợp đồng mua bán; hóa đơn thương mại; giấy phép của cơ quan quản lí chuyên ngành… Đây là việc cắt giảm chứng từ đáng kể so với hiện nay (theo Luật Hải quan hiện hành, các chứng từ bắt buộc phải có trong hồ sơ khai hải quan gồm: Tờ khai hải quan; hóa đơn thương mại; hợp đồng mua bán; giấy phép XK, NK (nếu có); các chứng từ khác theo quy định của pháp luật-PV). Ngoài ra, căn cứ vào TFA và các yêu cầu cải cách thủ tục hải quan của Chính phủ, trong các dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Hải quan năm 2014, Tổng cục Hải quan tiếp tục đưa ra những quy định cụ thể về giảm chứng từ trong hồ sơ hải quan.  (Xem bài chi tiết về dự thảo Thông tư tại trang 10 số này).

 

Về việc giảm thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan Hải quan, ông Âu Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Thời gian tiếp nhận và thông báo kết quả xử lí tờ khai của DN trong vòng từ 1 đến 3 giây; thời gian để kiểm tra hồ sơ hải quan không quá 2 giờ; thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 8 giờ với những lô hàng đơn giản, với lô hàng có số lượng hàng hóa nhiều và phức tạp thời gian dài hơn nhưng không quá 2 ngày.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI):

TFA thúc đẩy một cơ chế thực hiện công khai, minh bạch và đơn giản hơn. Để thực hiện Hiệp định này cũng cần sự tham gia của một bên rất quan trọng là sự phối hợp của DN.

Đối với các Hiệp định thương mại nói chung và với TFA nói riêng, doanh nghiệp phải biết quyền lợi của mình như thế nào và cần phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi đó. Ví dụ như đối với các quy định đã có, doanh nghiệp được quyền biết thông tin gì; đối với quy định sắp có, doanh nghiệp được quyền bình luận gì và được quyền có thời gian chuẩn bị thực hiện quy định đó như thế nào; đối với vấn đề chưa hài lòng, doanh nghiệp có quyền khiếu nại ở đâu.

Tôi tin rằng, TFA sẽ thúc đẩy sự chủ động tham gia của DN trong quá trình cải cách thủ tục hành chính và FTA cũng thúc đẩy cơ quan Nhà nước trong việc ghi nhận và phản hồi thông tin, ý kiến của DN trong quá trình này.

Với cơ sở nền tảng hiện có và tốc độ thực hiện TFA của Việt Nam, phải 1-2 năm nữa TFA mới được thực hiện hoàn toàn, tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này rất cần sự phối hợp của các bộ ngành hữu quan bởi chỉ với sự nỗ lực của cơ quan Hải quan không thể để đẩy nhanh tiến độ này.


Ông Phan Vinh Quang, chuyên gia dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG):

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu mỗi năm Việt Nam giảm một ngày thời gian thông quan thì sẽ tiết kiệm 1,6 tỉ USD. Yêu cầu của Chính phủ đưa ra chỉ tiêu giảm thời gian thông quan từ 21 ngày như hiện nay xuống còn 13 ngày đối với hàng hóa NK và 14 ngày đối với hàng hóa XK. Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO cũng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu tương tự, với các nghĩa vụ cụ thể và bắt buộc. Thực hiện được càng nhanh các yêu cầu và biện pháp của TFA, Việt Nam càng nhanh nâng cao được sức cạnh tranh của mình.


Ông Nestor Scherbay, Giám đốc Công ty tư vấn CTRMS Việt Nam:

Hải quan một cửa là nỗ lực toàn cầu để cung cấp cho các thương nhân và các DN một cổng thông tin điện tử duy nhất tại mỗi quốc gia để họ có thể nộp tài liệu và dữ liệu NK, XK, quá cảnh hàng hóa thông qua một điểm vào duy nhất.

Đây là vấn đề rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam về thương mại và đầu tư. Việc thực hiện hải quan một cửa của Việt Nam không thể tụt lại phía sau hoặc ít hiệu quả hơn so hải quan một cửa mà các quốc gia khác cũng thực hiện.

Tuy nhiên, có thể thấy một trong những thách thức trong việc thực hiện TFA của Việt Nam là Việt Nam chưa thống nhất trong việc thực thi WTO và các hiệp định thương mại khác nên tạo ra sự thiếu ổn định cho các nhà đầu tư và kinh doanh.

Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm ngoái cho rằng Việt Nam không thiếu các chính sách, kế hoạch và các dự án nhưng chúng không liên kết với nhau. Tư vấn từ các chuyên gia, cá nhân ngoài chính phủ cũng không nhận được quan tâm đúng mức.

Theo tôi, để điều này có thể đạt được, cần thông qua một kế hoạch hành động quốc gia và một Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia cần được thành lập bởi Chính phủ, làm việc với các bên liên quan về kinh doanh và thương mại một cách thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, nỗ lực quốc gia này chỉ có thể thành công nếu có thể thiết lập được một cơ chế tham vấn với DN thường xuyên và hiệu quả. Đây là mục tiêu của Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam.


(HQ Online)