Thị trường dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam và nước ngoài

Thị trường dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam và nước ngoài (Fri 1, 2014, 10:16 am)

 

Tại các nước có nền công nghệ phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc…tiện ích chữ ký số đã được sử dụng vào hầu hết các giao dịch điện tử, các giải pháp chính phủ điện tử và Thương mại điện tử.

 

Quan sát thị trường chữ ký số ở nước ngoài, đặc biệt ở các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, việc ứng dụng dịch vụ đăng ký chữ ký số đang được phát triển mạnh mẽ trong các dịch vụ hành chính công. Trong đó, các nước châu Âu rất tích cực trong triển khai áp dụng chữ ký số trong Chính phủ điện tử. Một số nước như Estonia, việc sử dụng chứng minh thư điện tử đã bắt đầu được cấp cho người dân năm 2002, năm 2005, tiến hành bầu cử điện tử. Tại Ý, việc triển khai chứng minh điện tử cho người dân cũng được thực hiện từ 2009.

 

Các nước có nền công nghệ thông tin phát triển ở châu Á cũng đã bắt đầu triển khai áp dụng chữ ký số vào Chính Phủ Điện tử. Thậm chí Hàn Quốc vượt lên đứng đầu thế giới trong Chính phủ điện tử.

 

Tại Việt Nam cùng với việc ban hành và có hiệu lực của “Luật giao dịch điện tử”, nghị định về “Thương mại điện tử” và “Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số”, chữ ký số đã được công nhận về tính pháp lý trong các giao dịch điện tử. Đây là nền tảng để triển khai các dịch vụ cho Chính phủ điện tử và Thương mại điện tử. Đối với các dịch vụ hành chính công, chữ ký số mới thực sự là ứng dụng phổ biến trong việc khai bảo hiểm xã hội điện tử, khai hải quan điện tử, nộp khai thuế qua mạng, hóa đơn điện tử,…

 

Tính đến nay, bộ TT&TT đã cấp phép cho 9 đơn vị cung cấp chữ ký số trên thị trường, nhưng con số này sẽ không dừng lại khi hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp muốn gia nhập thị trường với nhiều chiêu thức cạnh tranh khác nhau.

 

 Ở Việt Nam, mặc dù lượng người truy cập Internet rất lớn nhưng do cơ sở hạ tầng kĩ thuật mạng chưa phát triển nên việc mở rộng thêm nhiều ứng dụng của chữ ký số trong giao dịch điện tử còn rất nhiều hạn chế. Một phần cũng do tâm lý e ngại của người dùng tại Việt Nam sợ bị mạo danh cũng như rủi ro ăn cắp thông tin cá nhân,…

 

Thực tế các nhà cung cấp đã có nhiều cải tiến trong kỹ thuật từ việc nâng cấp lên các phiên bản mới của các dịch vụ T-VAN, C-VAN,… nhưng các việc sử dụng vẫn chưa tránh khỏi được những bất cập,… Vì vậy, để đạt được những mục tiêu dài hạn trong lĩnh vực các ứng dụng phần mềm giao dịch điện tử thì các nhà cung cấp tại Việt Nam cần phải có kế hoạch xây dựng cơ sở kĩ thuật và những chiến lược mới để tận dụng được thị trường mạng Internet rất tiềm năng này.