Sẽ có thay đổi một số quy định về Kiểm tra sau thông quan

Sẽ có thay đổi một số quy định về Kiểm tra sau thông quan (Thu 16, 2014, 8:55 am)

Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về hoạt động KTSTQ theo hướng mang lại hiệu quả quản lý cao, thủ tục kiểm tra đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí không cần thiết, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.

 

KTSTQ để đánh giá tuân thủ

Tại các Điều từ 76 đến 81 Luật Hải quan 2014 đã quy định rõ về KTSTQ và phân cấp trách nhiệm thực hiện KTSTQ của cơ quan Hải quan tập trung vào một số nội dung về: Địa điểm KTSTQ, các trường hợp KTSTQ, thời hạn KTSTQ là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, các trường hợp KTSTQ, thẩm quyền quyết định KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan.

 

Theo đại diện của Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý hải quan, thông quan chủ yếu trên cơ sở người khai hải quan tự khai và tự chịu trách nhiệm trong việc khai báo của mình, việc thông quan chủ yếu thực hiện bằng phương thức điện tử, đáp ứng yêu cầu thông quan nhanh chóng, Luật Hải quan 2014 và dự thảo Thông tư về KTSTQ sẽ quy định đầy đủ cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra này.

 

Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong thực tiễn, việc KTSTQ được tiến hành tại trụ sở cơ quan Hải quan và tại trụ sở người khai hải quan trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Việc KTSTQ không chỉ là kiểm tra hồ sơ hải quan mà còn bao gồm cả kiểm tra đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết, nên tùy từng trường hợp cụ thể sẽ quyết định KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan hay trụ sở người khai hải quan để bảo đảm phù hợp với thực tiễn kiểm tra.


Chỉ KTSTQ tại trụ sở trong thời hạn 60 ngày

Nếu như trước kia không khống chế các trường hợp thực hiện KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan và Chi cục trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan được quyền ra quyết định KTSTQ thì nay quy định tại dự thảo Thông tư sẽ thay đổi, chỉ quy định cho phép Cục trưởng Cục Hải quan và Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ là người ra quyết định KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan. Và việc KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan được thực hiện tại trụ sở Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan và Chi cục KTSTQ đối với những hồ sơ trong thời hạn 60 ngày.

 

Đặc biệt, hồ sơ hải quan các lô hàng XNK, hàng hóa XNK đã được thông quan (trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện) tại Chi cục Hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày ký ban hành Quyết định kiểm tra, thuộc diện phải kiểm tra theo quy định tại khoản 1, Điều 78 Luật Hải quan; và các trường hợp có nghi vấn về trị giá tính thuế nhưng người khai hải quan không đề nghị tham vấn, không lựa chọn việc nộp thuế hoặc bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự khai, tự tính để giải phóng hàng mà lựa chọn phương án thông quan để thực hiện KTSTQ.

 

Có thể thấy, đây là nhóm quy định phức hợp từ Luật tới Nghị định hướng dẫn Luật mang tính chất thích nghi với Hệ thống thông quan tự động (VNACCS) mà ngành Hải quan đang triển khai, đồng thời đề cao hơn vai trò của DN, DN được quyền lựa chọn hình thức KTSTQ trong trường hợp không có sự thống nhất về trị giá khai báo và cơ quan Hải quan cũng không có cơ sở bác bỏ trị giá khai báo.

 

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, thời gian KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan tối đa là 2 ngày làm việc, cơ quan Hải quan chỉ yêu cầu người khai hải quan cung cấp hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa liên quan đến hồ sơ hải quan đang được kiểm tra; không được yêu cầu người khai hải quan cung cấp những hồ sơ, tài liệu, dữ liệu mà cơ quan Hải quan đã có. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải ký ban hành thông báo kết quả kiểm tra gửi cho người khai hải quan.

 

Có thể thấy, quy định này sẽ giúp nâng cao chức năng kiểm tra của lực lượng KTSTQ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan Hải quan tại các chi cục.

 

Phân cấp KTSTQ tại trụ sở DN

Quy định về việc thực hiện KTSTQ tại trụ sở DN, việc ra quyết định KTSTQ sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục KTSTQ và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định. Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, ai ra quyết định thực hiện KTSTQ sẽ là người ký kết luận KTSTQ, quy định này sẽ giúp nâng cao hơn tính trách nhiệm của người ra quyết định.

 

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra trên phạm vi toàn quốc đối với DN ưu tiên, DN thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các Tập đoàn/Công ty có trụ sở, chi nhánh, hoạt động XNK, sản xuất trên nhiều địa bàn, theo quy định tại Điều 78 Luật Hải quan.

 

Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan quyết định kiểm tra trên phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp kiểm tra nêu trên. Cục trưởng Cục Hải quan quyết định kiểm tra đối với các trường hợp quy định tại Điều 78 Luật Hải quan trong phạm vi địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố. Trường hợp trụ sở người khai hải quan không thuộc phạm vi địa bàn quản lý được phân công, Cục trưởng Cục Hải quan báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, phân công đơn vị thực hiện kiểm tra.

 

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, trước khi ban hành quyết định KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan, trong trường hợp cần thiết, Chi cục trưởng Cục KTSTQ, Cục trưởng Cục KTSTQ và Cục trưởng Cục Hải quan ký ban hành thông báo khảo sát tại trụ sở người khai hải quan trước khi quyết định kiểm tra.

 

Đặc biệt, một điểm mới trong quy định này là việc ban hành kết luận KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan. Dự thảo Thông tư cũng quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra ai ra quyết định thực hiện KTSTQ sẽ là người ký kết luận KTSTQ. Quy định này sẽ giúp nâng cao hơn tính trách nhiệm của người ra quyết định.

 

Đối với kết luận kiểm tra cần có chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Hải quan chưa có đủ cơ sở kết luận thì thời hạn ký ban hành kết luận kiểm tra kéo dài tới 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản ý kiến của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (thời gian cơ quan chuyên môn có ý kiến là 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan Hải quan).

 

Trong trường hợp hết thời hạn 30 ngày mà cơ quan chuyên môn không có ý kiến bằng văn bản thì cơ quan Hải quan xem xét, tổ chức tham vấn lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan và ký kết luận kiểm tra theo kết quả kiểm tra và hồ sơ hiện có.

 

Cùng với đó, dự thảo Thông tư cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định KTSTQ, quản lý, phân công KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan, xử lý kết quả KTSTQ...

 

Có thể thấy, quy định như trên đã phân định rõ thẩm quyền đó được giao trong trường hợp KTSTQ, tránh chồng chéo, trùng lặp, không rõ trách nhiệm. Đồng thời mang lại hiệu quả cao, thủ tục kiểm tra đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí không cần thiết, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.

 
(HQ Online)