Quy định Advance Filling Rules (thêm rủi ro) đối với hàng hóa khai báo tới Nhật

Quy định Advance Filling Rules (thêm rủi ro) đối với hàng hóa khai báo tới Nhật (Wed 7, 2014, 3:52 pm)

Luật Hải quan sửa đổi của Nhật Bản được thông qua ngày 30-3-2012 cho phép hải quan Nhật Bản thực thi quy tắc khai báo trước (Advance Filing Rule) hay còn gọi là quy tắc AFR đối với hàng hóa vận chuyển đường biển bằng container. Quy tắc này mang thêm nhiều rủi ro và chi phí cho các nhà vận chuyển và các hãng tàu, buộc họ phải thận trọng hơn khi vận chuyển hàng hóa vào nước này.

Theo quy tắc AFR, các hãng vận chuyển bằng tàu container gọi tắt là các hãng tàu và các nhà vận chuyển không tàu (Non-Vessel Operating Common Carriers - NVOCC) phải khai báo hải quan điện tử liệt kê hàng hóa nhập khẩu vận chuyển đường biển bằng container vào Nhật Bản hoặc chuyển cảng ở Nhật Bản 24 giờ trước khi con tàu khởi hành từ cảng xếp hàng. Quy tắc này không áp dụng cho hàng hóa vận chuyển bằng container mặt phẳng (flatform container), container rỗng, và các container vẫn còn nằm trên tàu mà không có dỡ xuống cảng ở Nhật Bản.              

Giai đoạn triển khai và thử nghiệm AFR từ đầu tháng 11 năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014 giờ Nhật Bản. Nếu có vi phạm, các hãng tàu và NVOCC có thể phải đối diện với hình phạt tù lên đến một năm hoặc phạt tiền đến 500.000 yen (hơn 100 triệu đồng) cho một trường hợp vi phạm.

Quy tắc AFR rắc rối và phức tạp hơn AMS (Automated Manifest System) nhiều. Khai AMS chỉ cần 62 mục, thì AFR đòi hỏi phải khai báo tới 112 mục! AMS cho phép các hãng tàu khai giúp các NVOCC thì AFR không cho phép điều này, trừ phi hãng tàu đóng vai trò như một NVOCC. Tất cả các NVOCC gửi hàng qua hãng tàu mà có phát hành vận đơn, đều phải khai báo AFR với Hải quan Nhật Bản.    

Việc AFR quy định chỉ cần phải khai báo 24 giờ trước khi tàu rời cảng xếp hàng tiềm ẩn rủi ro là khi hàng đã xếp lên tàu, nhưng việc khai báo không được Hải quan Nhật Bản cho phép nhập khẩu hoặc chuyển tải tại Nhật thì hàng buộc phải nằm lại trên tàu và quay về cảng xuất trước đó (lệnh DNU - do not unload). Khi đó, việc phân định rủi ro và chi phí này sẽ không tránh khỏi tranh cãi.

Cho nên các nhà vận chuyển cần thận trọng cần thiết, mặc dù AFR quy định vậy, nhưng phải đảm bảo rằng việc khai báo phải thành công và được sự chấp nhận của Hải quan Nhật Bản trước khi xếp hàng nhằm hạn chế rủi ro trong trường hợp Hải quan Nhật không cho phép dỡ hàng xuống cảng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng điều này chỉ hạn chế chứ không triệt tiêu rủi ro này. Vì theo AFR, nếu Hải quan Nhật Bản đánh giá lô hàng có rủi ro an ninh cao sau khi xếp hàng lên tàu, họ vẫn được quyền ra lệnh DNU. Trường hợp lô hàng được thanh toán bằng L/C, rủi ro có thể về phía ngân hàng mở L/C, nhà xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ và nhận thanh toán, nhưng lô hàng không đến Nhật Bản vì lệnh DNU của Hải quan Nhật Bản. 

Hiện tại các hãng tàu và các NVOCC đã hoàn thành công tác đăng ký và đang khai báo thử nghiệm AFR. Thực hiện việc khai báo này, hãng tàu thông báo sẽ thu phí người gửi hàng là 30 đô la Mỹ cho một vận đơn. Còn các NVOCC có vẻ đang rất lúng túng, do chưa thấy thông báo sẽ thu phí này như thế nào. Tuy nhiên, chắc chắn họ phải thu phí, nhưng như vậy các NVOCC sẽ kém cạnh tranh về giá so với hãng tàu, vì nếu người gửi hàng trực tiếp gửi hàng thẳng cho hãng tàu, thì họ chỉ tốn một lần chi phí, trong khi gửi hàng qua NVOCC họ sẽ phải trả cao hơn cho loại phí này. Điều này các NVOCC sẽ phải cân nhắc kỹ càng khi phải đưa ra quyết định. 

(Theo Thời báo kinh thế Sài gòn - The saigontimes)