Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, phù hợp với tiến độ triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan vẫn phải chủ động rà soát Danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành áp mã HS và mã hóa vào hệ thống VNACCS/VCIS. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) vẫn tiếp tục có những đề nghị với các bộ, ngành hoàn thiện Danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản, tập trung chú trọng hàng hóa có nguy cơ cao để kiểm tra có hiệu quả.
Mới đây, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Thông tư Danh mục hàng hóa XK, NK phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và xin ý kiến tham gia của các bộ (Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng và Tổng cục Hải quan).
Trong đó, dự thảo Thông tư quy định, hàng hóa trước khi thông quan phải được kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đáp ứng được các quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định khác tại các Thông tư có liên quan. Trong Danh mục chỉ đưa ra danh sách gồm: Tên hàng hóa; văn bản áp dụng và ngày áp dụng. Ví dụ: Sản phẩm dệt may, văn bản áp dụng là Thông tư 32/2009/TT-BCT, có hiệu lực từ 1-12-2009…
Với những nội dung được đưa ra trong dự thảo Thông tư, Tổng cục Hải quan cho rằng, để đơn giản thủ tục hành chính, tránh vướng mắc cho DN trong quá trình thực hiện, đồng thời để cơ quan Hải quan cập nhật được vào Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS thì Danh mục hàng hóa cần được xây dựng chi tiết có mã số HS cấp 8 số. Trường hợp mã số HS có khó khăn thì đề nghị Bộ cử người sang làm việc với Tổng cục Hải quan để phối hợp thực hiện, tránh phát sinh vướng mắc sau khi văn bản có hiệu lực.
Đối với đối tượng hàng hóa đưa vào Danh mục, theo Tổng cục Hải quan cần cân nhắc đưa vào Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan những mặt hàng có nguy cơ cao để kiểm tra có hiệu quả; đối với mặt hàng có nguy cơ thấp nên đưa vào quản lý trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng để giảm tải việc kiểm tra hàng hóa tại thời điểm NK.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần ban hành đồng thời với Danh mục hàng hóa là quy trình kiểm tra chung để đảm bảo thống nhất các nội dung: Hồ sơ đăng ký, trình tự kiểm tra; mẫu giấy đăng ký kiểm tra, mẫu giấy thông báo kết quả kiểm tra; biện pháp xử lý hàng hóa không đạt yêu cầu kiểm tra, danh sách tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức kiểm tra…
Tại quy trình kiểm tra, cần hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm tra rủi ro như tăng cường kiểm tra trọng tâm, trọng điểm hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an ninh xã hội, môi trường; áp dụng kiểm tra xác suất đối với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa được sản xuất từ các nước G7, hàng hóa của DN chấp hành tốt pháp luật được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan; miễn, giảm kiểm tra đối với DN hoặc mặt hàng thường xuyên kiểm tra không phát hiện vi phạm… nhằm kiểm tra có hiệu quả và giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc quy định về quản lý đối với hàng hóa thuộc Danh mục phải kiểm tra cần được rà soát lại để đảm bảo toàn bộ hàng hóa trong Danh mục đã có đủ các căn cứ để cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa (tránh trường hợp trước đây mặt hàng bếp ga chưa có quy chuẩn nhưng vẫn đưa vào Danh mục).
Tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc công bố Danh mục hàng hóa phải tiến hành kiểm dịch, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa XK, NK. Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các yêu cầu về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra, rõ ràng các bộ, ngành cần tích cực phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) triển khai các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Một việc cụ thể là chú trọng rà soát, xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK phải kiểm tra chuyên ngành được đầy đủ, thống nhất.