Nghị định về hải quan điện tử có hiệu lực thi hành từ quý III/2012 (Fri 14, 2014, 4:52 pm)
Ngày 05/6/2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Đây là nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 của Chính phủ. Dự kiến, Nghị định có hiệu lực thi hành từ quý III năm nay.
Chuyển từ thí điểm sang chính thức - nhiệm vụ cấp thiết
Thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện thí điểm từ năm 2005 theo Quyết định 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và tiếp tục mở rộng thí điểm theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 149/QĐ-TTg. Đến nay, dù mới chỉ thực hiện dưới cơ chế thí điểm, giới hạn các loại hình áp dụng nhưng thủ tục hải quan điện tử đã lan toả đến 20/33 Cục Hải quan, thu hút trên 46.000 doanh nghiệp tự nguyện tham gia, chiếm trên 86% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên các địa bàn đang triển khai thủ tục hải quan điện tử. Tính riêng thời điểm tháng 10/2011(thời điểm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 103/2009/QĐ-TTg) lượng tờ khai thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử chiếm 94,7% so với tổng số tờ khai hải quan cùng loại hình thực hiện; kim ngạch qua thủ tục hải quan điện tử cũng chiếm 95,27% so với tổng kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan cùng loại hình tại các địa bàn.
Có thể nói, các nội dung thí điểm thủ tục hải quan điện tử đã được ứng dụng thành công và có thể áp dụng rộng rãi trong thời gian tới mà không gây biến động lớn do đa số các doanh nghiệp và công chức hải quan đã được làm quen với phương thức này. Tuy nhiên, do thực hiện dưới cơ chế thí điểm nên các đối tượng tham gia thực hiện còn nhiều lo ngại về cơ sở pháp lý cũng như việc áp dụng các văn bản liên quan.
Trước bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, những cam kết quốc tế đòi hỏi Hải quan Việt Nam phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý theo yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại với quy trình thủ tục hải quan theo hình thức điện tử toàn diện. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020, theo đó “đến năm 2020…thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm…”
Dựa trên hiệu quả do thủ tục hải quan điện tử mang lại trong thời gian thực hiện thí điểm, cấp thiết phải đưa thủ tục hải quan điện tử vào thực hiện chính thức trong năm 2012 để tạo cơ sở pháp lý cao hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Những điểm mới cơ bản của Nghị định
Sau một thời gian khẩn trương xây dựng với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, đến nay dự thảo Nghị định đã được hoàn chỉnh, gồm 3 Chương với 17 Điều. Chương I - Quy định chung; Chương II – Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại; Chương III – Điều khoản thi hành. Các nội dung đã được thực hiện trong giai đoạn thí điểm nhưng không mang lại hiệu quả cao sẽ được xem xét áp dụng trong giai đoạn tới. Những điểm mới cơ bản của dự thảo Nghị định chủ yếu là về 4 vấn đề: thời gian khai hải quan, xác nhận của cơ quan hải quan, quản lý rủi ro thông quan hàng hóa và kết nối thực hiện Cơ chế một cửa.
Thứ nhất, người khai hải quan điện tử được quyền khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần thay vì chỉ được khai báo trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Các thông tin khai hải quan điện tử được gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và được xử lý ngay, không bị hạn chế bởi thời gian làm việc theo giờ hành chính của công chức hải quan.
Thứ hai, người khai hải quan được sử dụng chứng từ in ra từ Hệ thống khai hải quan điện tử (có xác thực của người khai hải quan điện tử) đối với lô hàng đã được cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có thể đảm bảo chia sẻ thông tin về các quyết định hành chính đối với lô hàng đến từng địa điểm giám sát hải quan, đến các cơ quan quản lý nhà nước khác (nếu có yêu cầu). Do vậy, người khai hải quan không nhất thiết phải đến địa điểm nơi làm thủ tục hải quan để xác nhận trên tờ khai hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường.
Thứ ba, cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Việc áp dụng quản lý rủi ro này để giảm thời gian thông quan mà vẫn đảm bảo quản lý hải quan, thực hiện chính sách chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, đưa ra quyết định thông quan trên cơ sở thông tin khai Tờ khai hải quan điện tử đối với những người khai hải quan có quá trình chấp hành pháp luật tốt.
Thứ 4 là chuẩn hóa và trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quản lý chuyên ngành và nối kết việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia với việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Nghị định cũng quy định nguyên tắc yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành; cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các đối tượng có liên quan cho cơ quan Hải quan để phục vụ việc đưa ra các quyết định thông quan hàng hóa. Việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành sẽ tạo điều kiện tăng tính tự động hóa của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các thao tác thủ công khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu.
Nguồn customs.gov.vn