Ông Nguyễn Đình Phiên, Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam cho biết, từ tháng 4-2014, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS. E- Sael là dạng quản lý hiện đại, góp phần tạo thuận lợi thương mại, tăng cường năng lực hiện đại hóa hải quan để thực hiện hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS, Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời thúc đẩy thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO tại Việt Nam.
Tham gia e-Seal, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý của mình, trách nhiệm của mỗi bên sẽ minh bạch hơn, thực hiện quản lý theo mục tiêu riêng của mình. Đây thực sự là công cụ quản lý hiệu quả, với mục đích tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý hiện đại của Hải quan.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Logistis Việt Nam cho biết, năm 2015, cộng đồng kinh tế SAEN thành lập, khối kinh tế các nước trong ASEAN sẽ có 3 kết nối: kết nối địa lý, kết nối con người, kết nối kinh tế nhằm xây dựng hành lang kinh tế chung giữa các nước.
Chia sẻ về các giải pháp kĩ thuật e- Seal, kinh nghiệm và thực tiễn áp dụng tại Hải quan Thái Lan và Hải quan Ấn Độ, ông Somsak Wisetruangrot, Hiệp hội Giao nhận Vận tải Thái Lan cho biết, e- Seal đã được áp dụng thử nghiệm tại Thái Lan, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
e-Seal thân thiện, dễ sử dụng và phù hợp với tất cả các loại xe. Nó được áp dụng cho các hệ thống thông tin liên lạc quốc tế khác nhau. Thiết bị này được thiết kế cho người sử dụng theo dõi tình trạng bằng một thông báo màu sắc, không có rào cản ngôn ngữ, không cần phải có kiến thức công nghệ. Sử dụng dây kẽm để khóa tại bất cứ nơi nào cần niêm phong, như: cửa container vận chuyển hàng hóa, moóc của xe tải.
Thái Lan đã làm việc với hải quan các nước có liên quan để chấp nhận e-seal khi hàng hóa quá cảnh. Các doanh nghiệp tham gia vào dự án này coi như là đơn vị quá cảnh được ủy quyền gửi tờ khai xuất khẩu và e-Seal tới hệ thống một cửa Thái Lan. Hải quan Thái Lan gửi giấy phép xuất khẩu tới Hệ thống một cửa. Hệ thống môt cửa Thái Lan sẽ gửi thông tin xuất khẩu dưới dạng Hồ sơ hàng hóa quá cảnh khai báo trước và Hồ sơ hàng hóa đến khai báo trước đến hệ thống một cửa của Lào và Việt Nam.
Khi xe chở hàng đến biên giới, Hải quan Lào chỉ kiểm tra trực quan tình trạng e-Seal còn nguyên vẹn hay không hoặc chỉ cần truy cập trang web của Isport nhập các thông tin cần thiết để kiểm tra tình trạng của e-Seal mà không cần kiểm tra thực tế seal. Không cần thiết phải mở container miễn là e-Seal còn nguyên vẹn. Trong suốt hành trình Hải quan có thể tự tin rằng sẽ không có gian lận hay buôn lậu, hàng hóa được vận chuyển an toàn.
Khi xe tải đến Việt Nam, tài xế gửi tờ khai quá cảnh, đại lý hải quan sẽ thực hiện việc nhập khẩu bao gồm cả việc thanh toán thuế và lệ phí. Hải quan Việt Nam sẽ gửi giấy phép nhập khẩu đến hệ thống một cửa. Kết thúc hành trình, tài xế sẽ mang e-Seal về Thái Lan.
Theo các chuyên gia Thái Lan, nếu áp dụng e-Seal sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên có liên quan, như: kiểm tra hải quan có thể được thực hiện một lần duy nhất tại quốc gia xuất xứ; hải quan của tất cả các quốc gia thành viên, nhà nhập khẩu, nhà xuất xuất có thể theo dõi tình trạng của e- Seal và vị trí của các container tại mọi địa điểm; bất cứ khi nào e-Seal bị giả mạo, cảnh báo sẽ được gửi đến tất cả các bên có liên quan thông qua email hoặc điện thoại di động; đảm bảo an ninh đối với mọi hàng hóa vận chuyển qua biên giới…
Theo ông Nguyễn Đình Phiên, sau hội nghị này, e- Seal sẽ được xem xét triển khai thí điểm tại một số địa phương. Trong đó, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng một số tiêu chí áp dụng, như tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ áp dụng hình thức quản lý này.
(HQ Online)