Khó kiểm tra hàng rời NK
Thực tế vướng mắc đang gặp phải ở những công ty NK hàng rời thuộc diện kiểm tra chuyên ngành như Công ty TNHH dinh dưỡng Á Châu và Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc.
Theo hướng dẫn tại công văn 2696/TCHQ-GSQL mới đây của Tổng cục Hải quan, đối với hàng rời NK (thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối, nguyên liệu phục vụ sản xuất) thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được phân luồng đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa), luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), DN có yêu cầu đưa về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành và lô hàng có số lượng lớn không thể niêm phong hải quan được thì chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa NK và lập biên bản bàn giao. Biên bản ghi rõ tên hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa… giao cho chủ hàng để vận chuyển, bảo quản nguyên trạng hàng hóa về địa điểm bảo quản theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyển ngành đã được cơ quan hải quan quản lý địa bàn kho xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan; đồng thời giao cho chi cục hải quan ngoài cửa khẩu để giám sát hàng hóa chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Theo nội dung hướng dẫn trên thì hàng rời NK (thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối, nguyên liệu phục vụ sản xuất) thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được phân luồng đỏ hoặc vàng đều phải thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu.
Theo Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc, các lô hàng NK nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty đều thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nên các tờ khai NK đều bị phân luồng vàng hoặc đỏ. Vì vậy, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên thì toàn bộ tờ khai đều bị kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu. Như vậy, chi phí của DN sẽ tăng lên rất nhiều do phí lưu tàu, kéo dài thời gian làm thủ tục nhận hàng, vận chuyển hàng hóa về kho bảo quản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Tương tự, Công ty TNHH dinh dưỡng Á Châu cũng thường xuyên NK một số mặt hàng như cám, kho dầu, ngô hạt làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, toàn bộ nguyên liệu NK của công ty thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm dịch thực vật. Với khối lượng vài chục tấn đến cả ngàn tấn được NK về từng đợt thì việc kiểm tra hàng hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Hơn thế nữa, việc xác định số lượng hàng NK cũng đã có cơ quan chức năng giám định theo từng lô hàng trước khi thông quan.
Về phía cơ quan Hải quan, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên, DN sản xuất thức ăn gia súc NK nguyên liệu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành luôn luôn phải kiểm tra thực tế hàng hóa dù DN thuộc diện chấp hành tốt pháp luật và tờ khai được phân luồng vàng. Điều này không phù hợp quy định (chỉ luồng đỏ mới phải kiểm tra hàng hóa), đồng thời việc kiểm tra tất cả các lô hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến DN, nhất là hàng vận chuyển bằng tàu, việc kéo dài thời gian do kiểm tra hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới thời gian nhận hàng, phí tàu cho DN. Ngoài ra, theo điểm c1, c2, khoản 9 Điều 61 Thông tư 128 cũng không yêu cầu kiểm tra hàng hóa đối với luồng vàng.
Với vướng mắc trên, Cục Hải quan Đồng Nai đề xuất, đối với hàng hóa được phân luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa): DN thuộc diện chấp hành tốt pháp luật thì không kiểm tra thực tế hàng hóa, giao DN tự chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa về địa điểm bảo quản đã được cơ quan hải quan quản lý địa bàn kho xác nhận đáp ứng yêu cầu giám sát theo quy định tại công văn 15269/BTC-TCHQ. Đối với hàng hóa được phân luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa) tiếp tục thực hiện kiểm tra hàng hóa theo hướng dẫn tại công văn 2696/TCHQ-GSQL.
Gỡ vướng kiểm hóa hộ
Liên quan đến việc thực hiện Thông tư 128, quy định kiểm hóa hộ cũng khiến DN gặp lúng túng khi làm thủ tục hải quan. Công ty CP Dệt May Huế đang làm thủ tục mở tờ khai hải quan hàng hóa XK theo loại hình gia công xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Thủy An (Cục Hải quan Thừa Thiên Huế). Hàng được vận chuyển vào các cửa khẩu xuất ở TP.HCM để xuất hàng và công ty thuê container chuyên dụng đóng hàng và vận chuyển vào TP.HCM để chuyển sang container của hãng tàu. Theo quy định của khách hàng Mỹ công ty phải cung cấp số container và số seal trước 7 ngày làm việc cho hãng tàu để khai báo vào hệ thống. Do đó, công ty phải lấy container rỗng và seal của hãng tàu trước 7 ngày với số lượng từ 25 đến 30 container/1 đợt xuất hàng. Theo quy định của cảng không cho phép công ty được gửi container rỗng tại cảng mà phải kéo về kho riêng tại Thủ Đức. Bên cạnh đó, container rỗng sau khi được kéo ra khỏi cảng thì không được đưa vào lại trong cảng để đóng hàng mà phải đóng tại kho riêng của công ty. Vấn đề phát sinh khi Thông tư 128 được áp dụng, hàng hóa không được kiểm hóa hộ tại các cửa khẩu xuất ở TP.HCM mà phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại Chi cục Hải quan Thủy An (nếu tờ khai luồng đỏ). Việc niêm phong container chuyên dụng đóng hàng tại kho riêng lại không có hải quan cửa khẩu xuất để giám sát và niêm phong container nên phương án này không thể thực hiện được.
Mặt khác, việc lấy container rỗng của hãng tàu ở TP.HCM để vận chuyển ra Huế đóng hàng, sau đó vận chuyển container đã đóng hàng vào lại TP.HCM để XK, thời gian nhận container rỗng và đóng hàng và vận chuyển đi trên đường mất khoảng 6 ngày. Việc này đã gây khó khăn cho DN về thời gian vận chuyển 2 chiều nên tiến độ vận chuyển hàng hóa thường xuyên bị chậm trễ sát với thời gian XK và có nguy cơ rớt hàng, không XK được do container không được chất lên tàu kịp thời, dẫn đến khách hàng phạt do giao hàng trễ hoặc từ chối nhận hàng, đồng thời tốn kèm chi phí gấp đôi do vận chuyển hai chiều thay vì thuế container chuyên dụng chỉ 1 chiều từ Huế và TP.HCM (nếu được kiểm hóa hộ).
Để tháo gỡ khó khăn trong việc XK hàng hóa, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc cạnh tranh về giá bán do giảm chi phí vận chuyển nếu được kiểm hóa hộ, Công ty đề xuất cho phép được kiểm hóa hộ tại cửa khẩu với loại hình gia công sản xuất XK.
Trước vướng mắc trên của DN, Tổng cục Hải quan đã kịp thời gỡ vướng theo hướng tạo thuận lợi cho Dn, hàng hóa sẽ được chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện kiểm tra thực tế hộ tại cửa khẩu theo đề nghị của chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.
(HQ Online)