Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị đang có vướng mắc liên quan đến giấy phép cho lô hàng tân dược các loại của Công ty TNHH thương mại và Dịch vụ vận chuyển Kim Quang (gọi tắt là DN). Khi Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thực tế hàng hóa là thuốc giảm đau Tramadol có thành phần dạng phối hợp có hàm lượng hoạt chất gây nghiện thuộc dòng 119 phụ lục II Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ ban hành Danh mục chất ma túy và tiền chất, thuộc dòng 13 phụ lục II Thông tư 19/2014/TT-BYT quy định giới hạn hàm lượng hoạt chất gây nghiện trong thuốc thành phẩm dạng phối hợp.
Theo đó, ngày 24-11-2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với DN trên về hành vi đã nhập quá cảnh hàng hóa là thuốc gây nghiện thuộc danh mục hàng hóa cấm tại phụ lục I, II của Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia. DN không xuất trình được giấy phép của Bộ Công an theo Điều 20 Luật Phòng chống ma túy, Điều 13 Nghị định 58/2003/NĐ-CP về kiểm soát NK, XK, vận chuyển quá cảnh trong lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Sau đó DN lại có công văn giải trình việc nhập quá cảnh hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm của Chính phủ Campuchia. DN lý giải, bên đối tác của DN không xin được giấy phép NK của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, do vậy DN không có cơ sở để xin giấy phép quá cảnh của Bộ Công Thương cho mặt hàng tại mục số 16 và 17 của tờ khai.
Về vấn đề này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng có hai quan điểm xử lý đối với vi phạm này của DN. Quan điểm thứ nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy định tại Khoản 5, Điều 4 Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam- Campuchia quy định: “Đối với hàng hóa của Vương quốc Campuchia trong Phụ lục II, Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và văn phòng đại diện được ủy quyền của Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cấp phép quá cảnh sau khi có đề nghị của Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia”. Như vậy, do hàng hóa quá cảnh thuộc Phụ lục II của Hiệp định không có giấy phép của Bộ Công Thương nên DN đã có hành vi quá cảnh hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép, bị phạt tiền và buộc tái xuất theo quy định tại Khoản 4, Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 127).
Quan điểm thứ hai, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, do hàng hóa quá cảnh thuộc Phụ lục II của Hiệp định không có giấy phép của Bộ Công Thương nên DN đã vi phạm quy định về quá cảnh chất gây nghiện, bị phạt tiền và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định tại Khoản 5, Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất, với vi phạm của DN nên xử lý theo quan điểm thứ nhất.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 4 Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam - Campuchia và quy định hàng hóa là chất gây nghiện thuộc Phụ lục I và III của Hiệp định quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải được sự cấp phép quá cảnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Do vậy, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quá cảnh chất gây nghiện mà không có giấy phép được quy định tại Nghị định 127 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở vụ việc của DN, đối chiếu với quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản trên để xử phạt theo thẩm quyền.
Cũng liên quan đến hồ sơ chứng từ, Cục Hải quan Lạng Sơn xin ý kiến xử lý đối với 3 container chở hàng hóa tạm nhập tái xuất (TNTX) khai trên tờ khai là thuốc nhuộm phân tán dùng trong ngành dệt của Công ty TNHH tiếp vận Hùng Hiếu (gọi tắt là DN).
Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, ngày 23-10-2014 đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện và tiến hành kiểm tra 3 container vận chuyển hàng TNTX của DN có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra thực tế không có hàng hóa như trên tờ khai mà DN khai. Toàn bộ hàng hóa, gồm 145 mục là hàng tiêu dùng, các thiết bị gia dụng, linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện điện thoại, máy chiếu nhãn hiệu Panasonic, pin, loa các loại, mô tơ loại nhỏ, máy pha cà phê, rượu ngoại…
Với hành vi này, Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, DN đã có hành vi vi phạm hành chính về TNTX, hàng hóa kinh doanh TNTX thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép và thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh TNTX hoặc tạm ngừng kinh doanh TNTX. DN cũng có hành vi vi phạm hành chính vận chuyển hàng hóa XK, NK không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan.
Hướng dẫn về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Lạng Sơn căn cứ hồ sơ sự việc cụ thể, các quy định của pháp luật hiện hành để xác định hành vi vi phạm của DN. Trường hợp có đủ cơ sở khẳng định DN có hành vi vi phạm “chứa chấp, mua bán, vận chuyển hàng hóa XK, NK không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn kiểm soát hải quan” thì xử phạt theo quy định.
Mặc dù vậy, ngay sau đó, DN đã có đơn khiếu nại về việc cơ quan quản lý tịch thu 3 container. DN lý giải, do sự nhầm lẫn của phía đối tác trong quá trình đóng hàng cũng như soạn thảo bộ chứng từ XK nên có sự sai sót trong việc thông báo cho DN mặt hàng được đóng trong 3 container trên. Vì nhận được thông tin sai lệch về mặt hàng nên DN đã làm thủ tục tạm nhập và tái xuất lô hàng trên với tên khai báo là thuốc nhuộm phân tán dùng trong ngành dệt từ chất Aniline. DN sẽ chịu trách nhiệm về sai sót trong khai báo tên hàng của 3 container trên. Tuy nhiên, DN cho rằng, việc DN bị xử lý theo Điểm a, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 5, Điều 12 Nghị định 127 là hoàn toàn không đúng. DN nhấn mạnh, hàng hóa của DN hoàn toàn nằm dưới sự giám sát của hải quan đến khi thực xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, DN chỉ sai về tên hàng khai báo nên không thể xử phạt theo quy định về không có chứng từ hợp pháp. DN khẳng định, DN vi phạm theo Điều 11, Nghị định 127 về vi phạm quy định về giám sát hải quan.
Trả lời khiếu nại của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi xem xét nội dung khiếu nại và căn cứ Luật Khiếu nại, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khiếu nại thì đơn khiếu nại của DN không thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan vì đơn vị ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của DN là UBND tỉnh Lạng Sơn nên Tổng cục Hải quan trả lại đơn và hướng dẫn DN gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để được giải quyết theo thẩm quyền.
(HQ Online)