Thống nhất chính sách quản lý loại hình gia công sản xuất xuất khẩu

Thống nhất chính sách quản lý loại hình gia công sản xuất xuất khẩu (Tue 23, 2014, 10:20 am)

Để quy định thống nhất, tạo thuận lợi hơn cho các DN hoạt động  theo loại hình hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với loại hình này, đồng thời nêu rõ nghĩa vụ của DN trong việc quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào sản xuất...

 

Luật Hải quan 2001, 2005 và Nghị định 154/2005/NĐ-CP chưa quy định về thủ tục hải quan đối với loại hình hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK, hiện việc quản lý hải quan đối với loại hình này đang được trên cơ sở các quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính.

 

Để thống nhất chính sách quản lý, loại hình này đã được bổ sung vào Luật Hải quan 2014. Theo đó tại mục 4 về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK (Điều 59 và 60) Luật Hải quan đã quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với loại hình này.

 

Cụ thể, Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá NK để gia công, sản xuất hàng XK, bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK của chế xuất, thương nhân gia công cho thương nhân nước ngoài, thương nhân sản xuất hàng XK. Loại hàng hóa này chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi NK, trong quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.

 

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể địa điểm lưu giữ hàng hoá, trách nhiệm của chủ hàng trong việc quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào; thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa XK; thông báo định mức nguyên liệu, vật tư chủ yếu NK; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong kiểm tra việc thực hiện các quy định nêu trên.

 

Có thể thấy, so với quy định hiện hành, Luật Hải quan 2014 đã thay đổi cách thức quản lý hải quan đối với loại hình này theo hướng: Không yêu cầu DN thông báo định mức nguyên phụ liệu cho cơ quan Hải quan; Không yêu cầu DN đăng ký danh mục nguyên phụ liệu NK và sản phẩm XK trước thời điểm làm thủ tục NK nguyên vật liệu và XK sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc quyết toán nguyên phụ liệu được thực hiện theo nguyên tắc nhập- xuất- tồn, cơ quan Hải quan thực hiện quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro (tương tự như cơ quan thuế nội địa đang thực hiện quyết toán thuế). Đồng thời sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát hải quan thông qua các công việc như kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, tình hình sử dụng nguyên vật liệu, kiểm tra hàng tồn kho.

 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, quy định của Luật Hải quan 2014 về loại hình hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK vừa tạo thuận lợi hơn cho các DN hoạt động trong loại hình này, vừa đảm bảo được sự quản lý của cơ quan Hải quan.

 

Để triển khai quy định này của Luật, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan đã bổ sung các quy định về thủ tục hải quan đối với loại hình này.

 

Về kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, trên cơ sở nội dung đã được thực hiện ổn định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC và Thông tư 13/2014/TT-BTC, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các trường hợp kiểm tra, thời điểm kiểm tra, thẩm quyền quyết định kiểm tra, nội dung kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra.

 

Về kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hải quan thì kiểm tra việc sử dụng nguyên liệu, vật tư NK trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa XK, kiểm tra số lượng hàng hoá tồn kho của tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa XK thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan và cơ quan Hải quan thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro. Để thể hiện tinh thần này, dự thảo Nghị định quy định theo hướng:

 

Trong quá trình theo dõi, giám sát hoạt động gia công, sản xuất sản phẩm XK, cơ quan Hải quan căn cứ quy định về quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư tại cơ sở sản xuất để đánh giá việc sử dụng nguyên liệu, vật tư vào đúng mục đích gia công, sản xuất XK. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư theo nguyên tắc, nội dung quản lý rủi ro.

 

Về việc kiểm tra hàng tồn kho, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hải quan thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra số lượng hàng hóa tồn kho. Thực hiện quy định này, dự thảo Nghị định sẽ quy định cụ thể các trường hợp kiểm tra hàng hóa tồn kho như sau:

 

Khi có đầy đủ thông tin tổ chức, cá nhân tiêu thụ nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK vào nội địa nhưng không khai hải quan theo quy định;

 

Khi có đầy đủ thông tin tổ chức, cá nhân không chuyển số lượng nguyên liệu, vật tư hoặc số lượng sản phẩm gia công chuyển tiếp sang hợp đồng gia công khác nhưng không thông báo cho cơ quan Hải quan theo quy định;

 

Khi số liệu thanh khoản, quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư có sự chênh lệch bất thường so với số liệu trên hệ thống của cơ quan Hải quan, sau khi cơ quan Hải quan đã yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, cơ quan Hải quan không đồng ý với giải trình của tổ chức, cá nhân.

 

Về chế độ báo cáo quyết toán, kiểm tra báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, theo quy định hiện hành tại Thông tư 128/2013/TT-BTC và Thông tư 13/2014/TT-BTC, DN phải thông báo định mức nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK, thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công, quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư đối với loại hình nhập sản xuất XK, cơ quan Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thanh khoản, quyết toán.

 

Theo quy định tại Điều 59, 60 Luật Hải quan về kiểm tra, giám sát hải quan đối với loại hình hàng hóa này thì việc quản lý hải quan đối với loại hình hàng hóa này đã thay đổi, theo đó không có trách nhiệm thông báo định mức, việc quản lý theo nguyên liệu, vật tư NK theo nguyên tắc nhập-xuất-tồn.

 

Trên cơ sở quy định tại Luật Hải quan 2014, dự thảo Nghị định đã quy định nguyên tắc báo cáo quyết toán trên cơ sở nhập-xuất-tồn và giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư.

 

(HQ-Online)