Quy định về phân tích, phân loại hàng hóa sẽ đơn giản hơn

Quy định về phân tích, phân loại hàng hóa sẽ đơn giản hơn (Wed 5, 2014, 10:06 am)

 

Thống nhất một đầu mối tiếp nhận hàng hóa cần phân tích phân loại… là ý kiến của Hải quan địa phương và DN về những quy định mới tại dự thảo Thông tư hướng dẫn phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK.

 

Căn cứ phân loại theo bản nào?

Theo bà Đặng Thị Bình An (Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện-GIG), nguyên tắc phân loại hàng hóa tại dự thảo Thông tư chưa nói rõ các tài liệu tham khảo có giá trị đến đâu, trong khi tài liệu tham khảo cũng xác định mã 4 số. Vì vậy, tài liệu tham khảo cần phải có một nguyên tắc, tham khảo thêm chú giải HS và sau đó tham khảo tuyển tập, cách sử dụng các tài liệu tham khảo như thế nào, dự thảo Thông tư cần quy định rõ hơn. Theo đó, cần phải có nguyên tắc sử dụng các tài liệu tham khảo và ban hành bản dịch HS.

 

Ông Phạm Thanh Bình (chuyên gia dự án GIG) đưa ra ý kiến, trong trường hợp phân loại hàng hóa có sự khác nhau giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt thì cần phải quy định rõ, cần căn cứ vào bảng tiếng Anh.

 

Theo đại diện Hải quan TP.HCM, cần bổ sung vào phần quy tắc phân loại hàng hóa những quyết định về phân loại đối với hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan. Hiện nay các nguyên tắc phân loại hàng hóa cần dựa vào bản tiếng Việt bởi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các văn bản pháp luật bằng tiếng Việt.

 

Đồng tình với ý kiến trên, bà Đặng Thị Bình An cho rằng, các văn bản pháp luật của Việt Nam ban hành theo tiếng Việt, không có quy định nào theo tiếng Anh, vì vậy cần phải căn cứ vào bản tiếng Việt, còn cơ quản quản lý nhà nước đã ban hành thì phải chịu trách nhiệm sửa.

 

Bên cạnh đó, theo bà Đặng Thị Bình An, hiện có 2 loại thông báo kết quả phân loại hàng hóa: Cục và Tổng cục. Trong dự thảo Thông tư chủ yếu nói về thông báo của Tổng cục Hải quan, vậy những thông báo của Cục có là căn cứ để tính thuế không? Vì vậy, cần phải bổ sung thông báo kết quả phân tích phân loại cấp Cục vào cơ sở tính thuế.


Thống nhất quy định về phân tích phân loại

Tại Điều 18 dự thảo Thông tư hướng dẫn bổ sung trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân tích phân loại và đề nghị giám định: Đơn vị yêu cầu phân tích gửi văn bản cho cơ quan phân tích của Hải quan nêu lý do người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân tích thì cơ quan phân tích của Hải quan trả lời, giải thích về kết quả phân tích, trong thời hạn 3 ngày làm việc.

 

Theo ông Phạm Thanh Bình, hiện nay chúng ta đang cố gắng chứng minh các tổ chức giám định khác đang làm chậm, nếu muốn nâng cấp Trung tâm Phân tích phân loại thì rút ngắn thời gian. Nên đưa quy định này vào nội dung Thông tư như thành một sự cam kết, việc phân tích hai mẫu không phải lý do để thời gian phân tích dài ra trừ những mẫu quá phức tạp.

 

Đại diện Hải quan Đồng Nai cho rằng, việc quy định thời gian phân tích phân loại càng lâu thì càng khó cho DN, bởi có những trường hợp kết quả phân tích phân loại làm tăng thuế, dẫn theo đó là DN phải chịu phạt chậm nộp. Vì vậy, trong những trường hợp này không nên phạt chậm nộp.

 

Theo đại diện Hải quan TP.HCM, bỏ quy định việc cung cấp các văn bản trong trường hợp không có văn bản giải trình. Bên cạnh đó, không nên quy định trường hợp từ chối phân tích, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới phải đi phân tích, nếu ngoài khả năng thì liên kết với các cơ quan khác để thực hiện. Vì vậy, chỉ nên có một đầu mối giám định của Hải quan… điều này sẽ bớt đi việc không cung cấp các tài liệu kỹ thuật, bởi nếu nhiều đầu mối sẽ mất thêm nhiều thời gian.

 

Đồng tình với ý kiến này, theo đại diện của Hải quan Hải Phòng, đối với trường hợp không đồng ý với kết quả phân loại của DN, thì cơ quan Hải quan nên trưng cầu giám định chuyên ngành luôn, không nên quy định trong dự thảo Thông tư về việc từ chối phân loại, điều này gây ra thủ tục rườm rà.

 

Trong trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân loại, cần bổ sung thêm cả kết quả giám định. Tuy không quy định cụ thể, nhưng thực tế cơ quan Hải quan địa phương phải gửi cơ quan giám định khác. Theo Hải quan Hải Phòng nên tập hợp thành một đầu mối gửi Trung tâm Phân tích phân loại và từ đó Trung tâm Phân tích phân loại gửi tới các cơ quan chuyên ngành để giám định, và Trung tâm Phân tích phân loại là cơ quan thẩm định lại kết quả phân loại này. Thực tế một số kết quả giám định khi gửi sang rất mẫu thuẫn, vì vậy nên thống nhất một đầu mối tiếp nhận kết quả phân tích phân loại.

 

Giải thích rõ hơn về quy định này trong dự thảo Thông tư, ông Lưu Mạnh Tưởng- Phó Cục trưởng Cục thuế XNK cho biết, nếu quy định như đề xuất của Hải quan Hải Phòng thì mất rất nhiều thời gian và khâu thủ tục rườm rà. Nội dung này cơ quan Tổng cục cũng đã bàn bạc và cân nhắc, để tránh mất nhiều thời gian của DN thì cần căn cứ thực tế hàng hóa để chuyển nơi phân tích.

 

Góp ý cho nội dung này, đại diện Hải quan Lạng Sơn cho rằng, dự thảo Thông tư cần đưa ra danh mục và nhóm mặt hàng mà cơ quan Hải quan có đủ điểu kiện để phân tích phân loại. Từ đó DN và Hải quan địa phương căn cứ vào đó để gửi mẫu phân tích, tránh mất thời gian chuyển đổi từ đơn vị này sang đơn vị khác những mẫu không có khả năng phân tích.


Đăng ký Danh mục hàng hóa

Theo đại diện của Công ty Deloitte, Điều 10 dự thảo quy định thêm một thủ tục cho DN về đăng ký danh mục trong máy móc NK và phải xin giấy trừ lùi…, nếu thêm thủ tục này nữa thì mất thêm đến vài ngày, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của DN. Trong khi đó, theo quy tắc 2a (Ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14-11-2011 của Bộ Tài chính-PV) cho phép DN được đăng ký theo nguyên chiếc.

 

Giải thích rõ hơn về quy định này trong dự thảo Thông tư, ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết, quy định tại Điều 10 quy định cho NK nhiều chuyến, nhiều chỗ cho thuận lợi, thực tế hiện nay đã thực hiện theo quy định này rồi. Nếu không có đăng ký này thì cơ quan Hải quan cứ áp thuế theo linh kiện phụ tùng, điều này để cơ quan Hải quan quản lý được và trừ lùi cho DN. Đây chẳng qua là phương pháp áp dụng để cơ quan Hải quan quản lý. Cũng tại Điều 10 này cơ quan soạn thảo đã bỏ đi từ 2 đến 3 mẫu mà DN phải khai, để giảm bớt thủ tục cho DN.

 

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Cục trưởng Cục thuế XNK:

Thông tư hướng dẫn phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK sẽ hướng dẫn cách phân loại và áp dụng mức thuế (thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ) đối với hàng hóa XNK. Thông tư này đã kết hợp nhiều quy định trong phần chú giải và các ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) vốn được coi là các tài liệu tham khảo chính thống để phân loại hàng hóa của ngành Hải quan. Điều này sẽ giúp tăng cường tính thống nhất trong việc phân loại hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mậu dịch và thông quan.

Dự thảo Thông tư đã đưa vào các quy định tạo thuận lợi như: DN được chọn nơi đăng ký Danh mục NK máy móc tạo tài sản cố định, không bắt buộc DN đăng ký tại nơi DN đóng trụ sở như các quy định trước đây, hồ sơ giấy tờ cũng được giảm thiểu, các bảng cam kết cũng được loại bỏ trong bộ hồ sơ nộp cho cơ quan Hải quan.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng quy định rõ thời gian cơ quan Hải quan phải trả lời cho DN khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký Danh mục hàng hóa. Ví dụ trước đây đối với những hồ sơ đăng ký danh mục hàng hóa hay linh kiện tháo rời NK không quy định cụ thể thời gian cơ quan Hải quan kiểm tra và trả lời thì nay trong dự thảo Thông tư đã quy định rõ trong thời gian 5 ngày cơ quan Hải quan phải trả lời để DN thực hiện phân loại.

(HQ Online)