Nhìn lại công tác chuẩn bị để vận hành chính thức hệ thống VNACCS/VCIS

VNACCS
Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai chính thức từ ngày 01/4/2014 và đến nay đã phủ khắp 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, Hệ thống được đánh giá là xử lý tờ khai thông suốt. Có thể nói, Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai đúng kế hoạch đặt ra là nhờ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của Tổng cục Hải quan.
 
Thứ nhất là hoàn thành thiết kế chi tiết Hệ thống VNACCS/VCIS.
 
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Tổng cục Hải quan cùng nhà thầu NTT Data, các chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hoàn thiện thiết kế chi tiết Hệ thống VNACCS/VCIS với số lượng tài liệu lên đến hàng nghìn trang văn bản, hàng chục quy trình, hàng trăm bảng biểu, hàng nghìn chỉ tiêu thông tin.
 
Thứ hai là hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, lắp đặt trang thiết bị phần cứng, đảm bảo hạ tầng mạng.
 
Tổng cục Hải quan đã tiến hành quy hoạch lại các vùng mạng Trung tâm dữ liệu (01 vùng đặt tại Tổng cục Hải quan, 09 vùng đặt tại 09 Cục Hải quan lớn trên toàn quốc), đáp ứng mô hình triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, trang bị và cài đặt các máy chủ Base-server tại các vùng Trung tâm dữ liệu phục vụ triển khai VNACCS/VCIS. Nâng cấp trang thiết bị đầu cuối cho các Cục Hải quan địa phương; tổ chức cài đặt và hướng dẫn hải quan địa phương cài đặt phần mềm đầu cuối.
 
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ với Hệ thống VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với nhà thầu tiến hành nâng cấp các Hệ thống CNTT vệ tinh theo mô hình xử lý tập trung tại Tổng cục (gồm: Hệ thống thông quan điện tử E-customs, Hệ thống giá tính thuế, Hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Hệ thống thông tin quản lý rủi ro).
 

Về trang thiết bị, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với nhà thầu và các bên liên quan tiếp nhận và lắp đặt trang thiết bị phần cứng, máy chủ phục vụ cho triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS. Môi trường bên trong Trung tâm dữ liệu được thiết lập và hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chạy chính thức hệ thống. Đường truyền phục vụ triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS cũng được đảm bảo.

Thứ ba là hoàn thành việc xây dựng các Tệp dữ liệu tập trung (CSF).

Để phục vụ cho việc triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS, Ban Triển khai dự án VNACCS/VCIS đã nỗ lực hoàn thành xây dựng hơn 500 tệp dữ liệu tập trung (CSF) thuộc trách nhiệm của Hải quan Việt Nam. Các CSF này đã được cài đặt vào hệ thống phục vụ việc chạy thử và vận hành chính thức Hệ thống.

Thứ tư là tổ chức tổ chức chạy thử Hệ thống thành công.

Từ ngày 15/4/2014 đến ngày 21/3/2014, Tổng cục Hải quan đã tổ chức chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS trên phạm vi toàn quốc. Thông qua đợt tổng diễn tập, cùng với việc đào tạo trước đó, cán bộ, công chức hải quan và doanh nghiệp đã nắm bắt được cách thức vận hành hệ thống, làm tiền đề cho việc triển khai chính thức trên toàn quốc.
 

Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch tổ chức chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS, chuẩn bị kịch bản và dữ liệu chạy thử, sử dụng chữ ký số, cài đặt phần mềm đầu cuối, đào tạo, tuyên truyền đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và tổ chức chạy thử trong toàn Ngành.

Đánh giá được tầm quan trọng của việc chạy thử, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngay ngày làm việc đầu xuân 06/02/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 1179/TCHQ-VNACCS giao chỉ tiêu cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo 3.980 doanh nghiệp xuất nhập khẩu chiếm 80% tờ khai và kim ngạch xuất nhập khẩu tham gia chạy thử và chạy chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS.
 
Tính đến ngày 28/02/2014, đã có 7.334 công chức hải quan và 13.762 doanh nghiêp đăng ký tham gia chạy thử Hệ thống, bao gồm cả 3.980 doanh nghiệp chiếm 80% tờ khai xuất nhập khẩu.
 

Đợt chạy thử đã thành công tốt đẹp, cán bộ, công chức hải quan và doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai, bước đầu vận hành các chức năng của Hệ thống VNACCS/VCIS.

Thứ năm là hoàn thành cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan.

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực chuẩn bị và hoàn thành dự thảo các văn bản pháp lý trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, cơ sở pháp lý cho việc vận hành chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS đã được hoàn thành.
 

Cụ thể là Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại; Quyết định số 988/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2014 về việc ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Thứ sáu là thực hiện thành công chuyển đổi dữ liệu.
 
Trong vòng 3 tháng, từ cuối tháng 3/2014 đến đầu tháng 6/2014, Cục CNTT và Thống kê hải quan đã phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và đối tác hoàn thành việc chuyển đổi dữ liệu của Hệ thống giá tính thuế, Hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và Hệ thống E-customs để thực hiện tập trung hóa dữ liệu trong phạm vi toàn quốc cho 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
 

Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đúng tiến độ đặt ra.

Thứ bảy là hoàn thiện cơ cấu tổ chức Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan.
 
Tổng cục Hải quan đã thành lập cơ cấu tổ chức để quản lý và vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS. Hiện tại việc quản lý và vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS do Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan thực hiện (theo Quyết định số 117/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
 

Trung tâm đã thành lập Nhóm vận hành và Nhóm hỗ trợ người sử dụng (HelpDesk). Các nhóm này đang hoạt động rất tích cực, hàng ngày thực hiện công tác quản lý vận hành và hỗ trợ người sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS.

Thứ  tám là chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực.

Triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian rất ngắn với khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi huy động và sử dụng một nguồn nhân lực rất lớn. Nhận thức rõ điều này, tại Tổng cục Hải quan, Ban Triển khai dự án VNACCS/VCIS đã bố trí gần 100 cán bộ, công chức làm việc chuyên trách. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đều thành lập Ban Triển khai dự án và huy động đông đảo thành viên từ các đơn vị thuộc Cục.
 

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành xây dựng tài liệu đào tạo và hướng dẫn sử dụng Hệ thống cho cán bộ, công chức hải quan và doanh nghiệp. Đã tổ chức đào tạo chi tiết và đào tạo thực hành trên Hệ thống VNACCS/VCIS cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan Tổng cục và 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Cụ thể:

-  Đào tạo chi tiết: Đã tổ chức 3 lớp đào tạo chi tiết cho các cán bộ nòng cốt tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thuộc 03 miền Trung, Bắc, Nam và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng với số lượng gần 3.480 cán bộ, công chức. Các Cục Hải quan địa phương cũng đã triển khai đào tạo cho các doanh nghiệp thuộc địa bàn dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của Ban triển khai dự án VNACCS/VCIS.
 
- Đào tạo thực hành trên hệ thống: Đã đào tạo thực hành cho 950 cán bộ, công chức nòng cốt của 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong giai đoạn chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS. Trên cơ sở đó, các cán bộ này đã hướng dẫn lại cho các cán bộ khác tại đơn vị.
 
- Tổng cục Hải quan cũng đã tiến hành tập huấn các nội dung của Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại phục vụ triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS tại Hà Nội và Đồng Nai với tổng số gần 800 cán bộ, công chức toàn ngành tham gia.
 
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã đào tạo cho cán bộ CNTT và các bên liên quan, cụ thể:
 

- Đào tạo cho cán bộ CNTT về Oracle, tập trung vào nội dung quản trị cơ sở dữ liệu và xây dựng lớp giữa phục vụ triển khai hệ thống.

- Đã đào tạo cho các công ty cung cấp phần mềm về các chuẩn kết nối EDI, EDFACT, XML.
 
Đối với doanh nghiệp: Sau khi được Tổng cục đào tạo, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã tiến hành đào tạo, tập huấn lại cho doanh nghiệp. Trước khi triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS, đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp tham gia tập huấn, đào tạo chi tiết và đào tạo thực hành về Hệ thống.
 
Thứ chín là làm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
 
Tổng cục Hải quan đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết lập chuyên mục VNACCS/VCIS trên Cổng thông tin điện tử Hải quan. Kết hợp thông tin đến doanh nghiệp qua các buổi tập huấn về nghiệp vụ trên VNACCS do các Cục Hải quan tỉnh/thành phố tổ chức. Phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với các công ty phần mềm đưa thông tin chạy trên phần mềm đầu cuối dùng cho doanh nghiệp.
 
Ngành cũng trực tiếp thông tin đến các doanh nghiệp lớn trên toàn quốc. Nhờ đó, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
 

Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng góp phần đưa hệ thống VNACCS/VCIS vào vận hành chính thức đúng kế hoạch là sự vào cuộc quyết liệt của các Cục Hải quan địa phương.

Ngay từ khi chuẩn bị chạy thử hệ thống, các Cục Hải quan địa phương đã tiến hành với một tinh thần, ý chí quyết tâm cao. Các cục hải quan đã thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo. Ví như Cục Hải quan Hải Phòng đã yêu cầu doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan điện tử (e-Customs) thì đồng thời khai thử Hệ thống VNACCS/VCIS. Cục Hải quan Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số Cục Hải quan khác đã cử đoàn công tác do lãnh đạo Cục đến học hỏi kinh nghiệm của Cục Hải quan TP. Hải Phòng trước khi triển khai chính thức.

Như vậy, việc chuẩn bị triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS được thực hiện chu đáo, khoa học, có sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức trong toàn ngành và các bên liên quan. Đây là nhân tố có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo đưa Hệ thống VNACCS/VCIS đi vào vận hành chính thức đúng kế hoạch đề ra.

 
Hải Quan Việt Nam