Hải quan: Khi nào được hủy tờ khai và tiêu hủy hàng hóa?

VNACCS

 

 

Một số vướng mắc liên quan đến hủy tờ khai và tiêu hủy hàng hóa trong quá trình làm thủ tục thông quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.

Điều kiện hủy tờ khai XNK

Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, với số lượng tờ khai luồng Xanh và Vàng chiếm khoảng 80% thì việc thời gian qua DN phải làm công văn trình lên để được phê duyệt hủy tờ khai theo quy định tại Mục a, b, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 196/2012/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 196) làm DN mất thời gian. Để tạo thuận lợi, DN đề nghị, nếu có tờ khai XK nào quá 15 ngày thì cơ quan Hải quan thực hiện hủy theo Mục a, b Khoản 2, Điều 11 Thông tư 196 quy định: “Nếu người khai hải quan không tạo thông tin hủy tờ khai thì cơ quan Hải quan cũng tiến hành hủy tờ khai…”.

Theo Tổng cục Hải quan, các trường hợp hủy tờ khai được quy định cụ thể tại Điểm a và b, Khoản 1, Điều 11 quy định: “Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký, cấp số tờ khai hải quan mà không xuất trình hồ sơ hải quan điện tử trong trường hợp phải xuất trình hồ sơ hải quan điện tử. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan chưa xuất trình hàng hóa XK, NK phải kiểm tra thực tế để cơ quan Hải quan kiểm tra...”.

Cũng theo tiết b1, Điểm b, Khoản 2, Điều 11 thì không phải tất cả các lô hàng quá hạn 15 ngày thì cơ quan Hải quan sẽ thực hiện hủy tờ khai. Mặt khác, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 196, khai nhiều tờ khai cho một lượng hàng hóa, người khai hải quan phải đề nghị hủy tờ khai hải quan đã đăng ký. Như vậy, những trường hợp quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 11, cơ quan Hải quan sẽ xem xét, quyết định hủy tờ khai trên cơ sở đề nghị hủy tờ khai hải quan đã đăng ký của người khai hải quan. Để đảm bảo việc kiểm tra dữ liệu tờ khai hủy, người khai hải quan cần phối hợp với cơ quan Hải quan để xác định thông tin về tờ khai hủy.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, nhằm tăng cường công tác quản lý để đấu tranh với các hành vi lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để trục lợi trái pháp luật, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 962/TCHQ-CCHĐH ngày 24-1-2014 hướng dẫn kiểm tra, xác định tính xác thực của lý do sửa chữa tờ khai và hủy tờ khai khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Theo đó, tại Mục 2 của công văn 962, trong trường hợp tờ khai thuộc danh sách hủy thì cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan thực hiện theo quy định tại Tiết a, Khoản 2 Điều 11 Thông tư 196, đồng thời giải thích lý do xin hủy dưới dạng văn bản giấy và xuất trình các chứng từ chứng minh lý do xin hủy.

Khoản 1 Điều 12 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định, người khai hải quan phải có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị huỷ gửi cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai. Quy định này trước hết mang lại lợi ích cho chính người khai hải quan (trong trường hợp đã nộp tiền thuế), đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch giữa cơ quan Hải quan và DN.

Cũng vướng mắc về thủ tục hủy tờ khai sau thông quan, Công ty Panasoic Industriall Devices Vietnam c.lt phản ánh, do quy định là tờ khai sau thông quan không được sửa nên DN đang lúng túng không biết hướng xử lý ra sao với trường hợp xin hủy tờ khai sai ngày để mở tờ khai mới.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, việc hủy tờ khai để thay tờ khai hải quan mới thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 128/2013/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 128). Theo đó, thời điểm thay tờ khai hải quan phải thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước thời điểm miễn kiểm tra thực tế. Do vậy, hàng hóa đã thông quan không được hủy tờ khai hải quan. Bên cạnh đó, việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128.

Quy định tiêu hủy hàng hóa

Công ty TNHH Sai Gon Precision phản ánh, các công cụ, dụng cụ tiêu hao, hàng tiêu dùng tham gia vào quá trình sản xuất của DN rất nhiều, số lượng tiêu hao cũng rất lớn. Hơn nữa, DN không thể nào biết được những hàng hóa tiêu hao, tiêu dùng này thuộc tờ khai hải quan NK nào để khai báo cho cơ quan Hải quan một cách chính xác. Điều này gây khó khăn cho DN. Do đó, DN đề nghị không cần khai báo với cơ quan Hải quan đối với hàng hóa là dụng cụ tiêu hao, hàng tiêu dùng.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết , theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 49 Thông tư số 128 quy định “Việc tiêu huỷ phế liệu, phế phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật và có sự giám sát của cơ quan Hải quan trừ trường hợp sơ hủy phế liệu, phế phẩm tại DNCX trước khi chính thức tiêu hủy. Quy định này áp dụng cho cả DNCX thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Chương VI Thông tư số 196”.

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 4 Điều 49 Thông tư số 128 có hướng dẫn hàng tiêu dùng phục vụ cho hoạt động nhà xưởng, sản xuất nhưng không xây dựng được định mức sử dụng theo đơn vị sản phẩm thì DNCX không phải phân chia theo mục đích sử dụng hay nguồn NK, không phải đăng ký danh mục, đặt mã quản lý và không phải báo cáo nhập-xuất-tồn định kỳ hàng tháng với cơ quan Hải quan (đối với DNCX nằm trong khu chế xuất), đối với  DNCX nằm ngoài khu chế xuất nộp báo cáo tổng lượng hàng hóa tiêu dùng được NK và mua từ nội địa trong quý. DNCX tự khai và tự chịu trách nhiệm về việc khai và sử dụng hàng hóa đúng mục đích.

Theo Tổng cục Hải quan, kể từ thời điểm ngày 1-11-2013, nếu DNCX thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định tại Thông tư số 196, khi tiêu hủy hàng hóa là hàng tiêu dùng DNCX không phải khai báo rõ với cơ quan Hải quan về hàng hóa tiêu hủy thuộc tờ khai NK nào.

 

(HQ Online)