Ai định danh cho hàng hóa kiểm tra chuyên ngành?

Ai định danh cho hàng hóa kiểm tra chuyên ngành? (Wed 24, 2014, 9:42 am)

Trong công tác quản lý hàng hóa XNK chuyên ngành, các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách quản lý hàng hóa XNK, nhưng không hiếm các văn bản không được ban hành kèm theo mã số HS hoặc định danh không rõ ràng. Thực tế này đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan cũng như DN trong quá trình làm thủ tục hải quan.

 

 “Ma trận” mã

Cách đây hơn một năm, tại Hội nghị tổng kết áp mã số HS cho các Danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành theo Biểu thuế XNK, có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh từng nêu, cơ quan Hải quan giúp Nhà nước quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua hoạt động làm thủ tục hải quan và sự quản lý của các bộ, ngành liên quan.

Trong bối cảnh thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) và thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, rất cần thiết xây dựng một hệ thống Danh mục hàng hóa kèm theo mã HS để quản lý. Tuy nhiên, thời quan qua, nhiều đơn vị vẫn chưa công bố Danh mục này hoặc có đơn vị đã công bố Danh mục nhưng lại chỉ mô tả hàng hóa chung chung chứ chưa gắn mặt hàng với một mã HS tương ứng.

Chính vì vậy, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng triển khai công tác này, công bố Danh mục hàng hóa kèm mã HS để tạo thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước, minh bạch hóa thông tin, giúp DN thuận lợi hơn khi xin cấp phép và làm thủ tục hải quan.

 

Theo phản ánh của các đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, hiện nay Nghị định 187/2013/NĐ-CP đã thay thế Nghị định 12/2006/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành chưa ban hành các Thông tư, Quyết định hướng dẫn, thay thế dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện. Có thể kể đến các Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 06/2006/QĐ-BCN; Quyết định 19/2006/NĐ-BGTVT; Quyết định 80/2006/NĐ-BQP; Thông tư 48/2006/TT-BVHTT chủ yếu được xây dựng dựa trên phiên bản HS-2002 của Tổ chức Hải quan thế giới, đến nay đã không còn phù hợp với Danh mục hàng hoá hiện hành.

Trong lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, theo Cục Hải quan Hà Nội, chỉ riêng Quyết định 19/2006/QĐ-BGTVT công bố Danh mục hàng hoá theo quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ (hiện nay là Nghị định 187/2013/NĐ-CP) đã có rất nhiều bất cập. Tại Danh mục các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp được phép NK, có tới 21 loại phương tiện được áp mã không đúng với mã HS chuẩn của Danh mục hàng hóa XNK và Biểu thuế.

Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, Danh mục hàng hoá tại Phụ lục II Thông tư 14/2011/TT-BTTTT có mã số hàng hoá vẫn còn là 10 chữ số và không có văn bản nào điều chỉnh lại mã hàng là 8 chữ số cho phù hợp với Biểu thuế XNK, trong khi từ năm 2012 Biểu thuế XNK đã được sửa đổi mã số HS từ 10 số thành 8 số.

Liên quan đến việc quản lý hoá chất, Cục Hải quan TP.HCM phản ánh về mặt hàng cụ thể là Kẽm peroxit nằm trong Danh mục hoá chất phải khai báo ban hành kèm Nghị định 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ có mã HS là 28.17.00. Tuy nhiên, theo Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam thì nhóm 28.17.00 có hai phân nhóm là 28.17.00.10 (kẽm oxit) và 28.17.00.20 (kẽm peroxit).

Điều này dễ gây hiểu nhầm là cả 2 mặt hàng kẽm oxit và kẽm peroxit đều phải khai báo hoá chất. Bên cạnh đó, rất nhiều mã HS trong Danh mục hoá chất phải khai báo như các mã HS số: 2833.26, 2835.23, 2836.10, 2836.70, 2841.10, 2803.30… không có mã HS trong Danh mục hàng hoá NK Việt Nam hiện hành.

 

Ngoài việc các bộ, ngành ban hành danh mục hàng hoá quản lý chuyên ngành không kèm mã HS, danh mục hàng hoá cấm NK, NK có điều kiện được nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau ban hành và tập trung ở nhiều văn bản nhỏ dẫn đến người dân và DN khó cập nhật chính sách của Nhà nước.

Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông có 6 Thông tư hướng dẫn gồm: Thông tư 14/2011/TT-BTTTT quy định chi tiết thi hành Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư 11/2012/TT-BTTTT năm 2012 quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK; Thông tư 20/2011/TT-BTTTT năm 2011 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn. Cùng ngày 31-10-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 3 Thông tư số 30, 31, 32 hướng dẫn về cùng mội dung “hợp quy sản phẩm”.

 

Cùng gỡ rối

Trước những bập trong công tác quản lý hàng hoá XNK chuyên ngành, các đơn vị Hải quan cho rằng, để đảm bảo cơ sở quản lý khi thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục Hải quan cần kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP kèm theo Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành theo mã HS căn cứ và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam để cơ quan có căn cứ và dễ dàng thực hiện.

 

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, hiện nay Bộ Tài chính là đơn vị ban hành Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam. Từ đó các Danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành khác ban hành đều theo các Danh mục này. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành trước khi ban hành các Danh mục quản lý chuyên ngành cần trao đổi với Bộ Tài chính về tên hàng và mã hàng của Danh mục để phù hợp với Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam, tránh phải rà soát, điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn cho đơn vị thực hiện.

 

Khi có sự thay đổi, điều chỉnh tên hàng, mã số hàng hoá của Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam, Bộ Tài chính cũng sẽ có thông báo đến các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện điều chỉnh các Danh mục đã ban hành cho thống nhất và kịp thời.

Bên cạnh đó, việc từng bộ, ngành xây dựng Danh mục hàng hoá quản lý chuyên ngành theo mã HS 8 số phù hợp với Biểu thuế XNK và Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam, lấy ý kiến rộng rãi giữa các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành chung trong một văn bản cũng nên được xem xét. Điều này sẽ góp phần thực hiện tốt Cơ chế một cửa quốc gia và để quản lý tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS.

 

(HQ Online)